19/12/1946 Đêm Bác Hồ không ngủ

Qua hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, ta thấy: Đêm 18/12/1946, Bác Hồ hầu như không ngủ.
ky-tich-khoi-dau-lich-su-dau-tranh-ngoai-giao-cua-nuoc-viet-nam-moi-ky-i-1639874499.jpg
Lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Ngọn đèn dầu tỏa một vùng sáng nhỏ, Bác ngồi xổm trên giường, mắt đăm chiêu nhìn vào mảnh giấy trước mặt. Phía Hà Nội súng nổ nhiều hơn các đêm trước. Chiếc bút học sinh trong tay Bác, ngòi bằng sắt, bắt đều viết những dòng chữ đầu tiên của một lời hịch lịch sử: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Khi viết xong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác thanh thản ngả mình chợp mắt trên chiếc giường gỗ.

Ngày 19/12/1946, mới mờ sáng, Bác đã gọi đồng chí Vũ Kỳ chuẩn bị giấy bút để làm việc. Sáng sớm trời rất lạnh. Bác bảo thư ký Vũ Kỳ xích ghế lại gần rồi đọc cho viết bức thư gửi cho Thủ tướng Léon Blum (Thủ tướng nước Pháp). Bác đọc thẳng bằng tiếng Pháp. Đôi chữ đồng chí Vũ Kỳ phải hỏi lại để viết cho đúng. Viết xong, đồng chí Vũ Kỳ đọc lại một lần cho Bác nghe. Bác xem lại một lần nữa.

Sáng 19/8, bọn Pháp lại gửi tiếp cho ta “tối hậu thư” thứ ba, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang của ta. Chúng đe dọa nếu trong vòng 24 giờ tới không thực hiện những yêu cầu trên, quân Pháp sẽ hành động. Lập tức Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi một bức điện cho các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chỉ huy trưởng 12 chiến khu trong cả nước: “Quân Pháp đã hạ “tối hậu thư” đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ, công an ta.

Chính phủ ta đã bác tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn quân Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của trung ương: “Tất cả hãy sẵn sáng”. Buổi trưa, Bác không nghỉ. Bác xem lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và chuẩn bị cuộc họp hẹn vào buổi chiều. 14 giờ 30 phút, các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đến dự họp.

Cuộc họp không kéo dài do đã được chuẩn bị kỹ. Đồng chí Trường Chinh báo cáo về nội dung chủ yếu của đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện và trường kỳ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo những vấn đề chính về tình hình và kế hoạch quân sự. Sau khi trao đổi ý kiến, Bác kết luận tình hình không cho phép nhân nhượng nữa. Trước âm mưu xâm lược trắng trợn của Thực dân Pháp, chúng ta quyết định kháng chiến trong cả nước. Tuy khó khăn gian khổ nhưng cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Về văn bản dự thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đồng chí Lê Đức Thọ có đề nghị thêm vào 5 chữ và đã được Hội nghị hoàn toàn nhất trí.

khangchien2-1639874710.jpg
Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc - Hà Đông, nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Trong hội nghị, đồng chí Trường Chinh được phân công chuẩn bị dự thảo về vấn đề “Toàn dân kháng chiến” (công bố ngày 22/12/1946). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công chuẩn bị và đọc bản hiệu triệu ngay sau khi Hà Nội nổ súng. Giờ nổ súng được quyết định vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, bằng việc công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy. Điện tắt là hiệu lệnh thống nhất chung cho toàn thành phố Hà Nội, đồng thời cũng là hiệu lệnh chung cho cả nước nhất tề đứng dậy đánh giặc, cứu nước.

Để cuộc tiến công được nổ ra đồng loạt chung trong cả nước, Hội nghị còn quyết định thông báo cho các nơi chú ý theo dõi Đài tiếng nói Việt Nam. Khi nghe Đài phát đi câu: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đó chính là hiệu lệnh tổng tiến công mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Cuộc họp kết thúc chỉ sau 45 phút. Bác ung dung bình thản tiếp tục ngồi viết một lúc nữa. Viết xong, Bác tự thu xếp tài liệu vào cặp, rồi gọi đồng chí Vũ Kỳ: “Các chú sửa soạn đi nhé, chiều tối nay chúng mình chuyển”. Lúc đó là 18 giờ 45 phút (ngày 19/12/1946)./.