Xuất khẩu phân bón tăng cả về lượng và giá trị

9 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 1,39 triệu tấn phân bón các loại, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 166% về kim ngạch và tăng 83% về giá so cùng kỳ năm 2021.

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang dần ổn định và ngành phân bón là một trong những ngành có sự tăng trưởng cao, bất chấp nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 9/2022 đạt 161.448 tấn các loại, đạt 94,26 triệu USD, giá trung bình 583,8 USD/tấn, tăng 36,9% về khối lượng, tăng 33,6% kim ngạch nhưng giảm 2,4% về giá so với tháng 8/2022. So với tháng 9/2021 thì tăng mạnh cả lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 84,1%, 152,4% và 37%.

Cùng với đà tăng trưởng của các tháng trước, 9 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu gần 1,39 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 886,17 triệu USD, giá trung bình 637,7 USD/tấn, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 166% về kim ngạch và tăng 83% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.

Thị trường xuất khẩu số một của phân bón Việt Nam vẫn là Campuchia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thị trường Campuchia chiếm 27,2% trong tổng khối lượng và chiếm 22,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước với 377.760 tấn, tương đương 200,07 triệu USD.

phan-bon-1666256328.jpg
Ảnh minh họa.

Giá trung bình 529,6 USD/tấn, giảm 6% về lượng, nhưng tăng 29,9% kim ngạch và tăng 38,3% về giá so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 9/2022, xuất khẩu sang thị trường này tăng 1,4% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về kim ngạch và giảm 3,4% về giá so với tháng 8/2022, đạt 40.286 tấn, tương đương 19,67 triệu USD.

Thứ hai là thị trường Hàn Quốc đạt 85.045 tấn, tương đương 63,36 triệu USD, giá trung bình 745 USD/tấn, tăng mạnh 262,3% về lượng, tăng 1.109% kim ngạch và tăng 233,7% về giá, chiếm 6,1% trong tổng khối lượng và chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Thứ ba là thị trường Malaysia đạt 115.810 tấn, tương đương 61,21 triệu USD, giá trung bình 528,6 USD/tấn, tăng 59,7% về lượng và tăng 280,3% kim ngạch, giá tăng 138%, chiếm 8,3% trong tổng khối lượng và chiếm 6,9% trong tổng kim ngạch.

Thứ tư là thị trường Philippines đạt 70.869 tấn, tương đương 55,24 triệu USD, giá trung bình 779,5 USD/tấn, tăng mạnh 106,6% về lượng, tăng 353,2% kim ngạch, giá tăng 119,4%, chiếm trên 5% trong tổng khối lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch.

Thi Nguyên (t/h)