Một cô bé rất “suya” ở cùng làng Nha, xã Long Biên, huyện Gia Lâm, Hà Nội “thái độ với tôi”. Có một hôm cũng vào mùa Xuân; tình cờ gặp tôi ở ngoài ngõ. Cô bé đã gọi tôi và nhí nhảnh: “Anh Lập ơi, hôm trước em gặp mẹ anh, mẹ bảo bao giờ anh yêu ai, thì mẹ anh sẽ cho anh lấy người ấy”.
Điều này cũng đồng nghĩa với sự tiến bộ của mẹ tôi. Mẹ tôi tên là Thẩm Thị Hà, một phụ nữ nông dân ở nông thôn chẳng bao giờ qua khỏi lũy tre làng, nhưng so vơi thời ấy tư tưởng đã rất tiến bộ, bà cho tôi được hoàn toàn tự do trong hôn nhân. Không phải “bố, mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.
Và đúng như vậy. Vì đến năm 1978, tôi đã 30 “tuổi Tây” (nếu tính theo tuổi Ta, thì đã 31), vẫn chưa lấy vợ. Nhưng mẹ tôi không hề sốt ruột hay nhờ cậy mai mối, “giới thiệu” ý trung nhân cho tôi. Trong khi đó, cùng trang lứa 4 X chúng tôi thời bấy giờ thường lấy vợ khi mới ngoài 20. Để đến 30 tuổi vẫn lính phòng không như tôi, có thể coi như “ông ế vơ”, hoặc “hâm” rồi. Chứ không phải như các bạn trẻ 30 tuổi bây giờ chưa lấy vợ, vẫn thuộc diện “kén vơ, vàng 10”.
Trở lại sự tiến bộ của mẹ tôi, cũng một phần do bà là một đại biểu Phụ nữ. Từ những năm 1958-1965, mẹ tôi tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ xã, làm Hội phó Hội Phụ nữ xã Long Biên, huyện Gia Lâm, (nay là phường Long Biên).
Mẹ tôi được ông ngoại tôi, cho đi học, biết ngoại ngữ tiếng Pháp. Tôi không thể nào quên một kỷ niệm, năm mẹ tôi đã 89 tuổi, mà vẫn nhớ bài học dạy cho trẻ em (kể cả người lớn cũng vẫn cần học) tính kiên trì và cẩn thận. Đó là bài học: “Nhện với Tằm” mẹ đọc thuộc lòng bằng tiếng Pháp cho tôi nghe.
Đặc biệt, “có thể do Luật Nhân Duyên”… mà tôi không được cô bé rất “suya” ở cùng làng ngày xưa yêu. Vậy nên tôi đã “phải” làm quen, hẹn hò, tìm hiểu một cô gái khác và lấy cô ấy làm vợ (từ năm 1979). Đến năm 2016 thì vợ tôi bị bệnh u nang tụy, phải phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội.
Mẹ tôi thương xót vợ tôi vô cùng. Mẹ tôi thương con dâu đến mức luôn tâm tình với tôi: “Sao người bị bệnh không phải là mẹ, mà lại là vợ con? Nếu có thể bị bệnh thay vợ con được, thì mẹ sẽ chịu bệnh thay cho nó. Và nếu không may… Có thể chết thay cho nó được, thì mẹ cũng có thể chết thay cho nó”. Tôi thật cảm phục trước tình yêu của mẹ tôi với con dâu…
Tôi ngẫm, cái câu phương ngôn: “Thực thà cũng thể lái trâu. Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng”, không đúng đối với mẹ tôi chút nào.
Ngoài ra, tôi được tiếp xúc với bà con họ hàng, cũng như bà con hàng xóm láng giềng sống gần gũi với mẹ tôi, có chia sẻ với tôi rằng, chưa bao giờ họ thấy mẹ tôi có phàn nàn, hay chê trách gì con dâu (khi vắng mặt vợ tôi). Khiến họ cũng “lấy làm lạ” và rất kính phục mẹ tôi.
Tính đến mùa Xuân năm Nhâm Dần sắp tới, mẹ tôi đã đi xa mất mấy mùa Xuân. Nhưng mẹ tôi đã để lại bất biến trong tim tôi những kỷ niệm vô giá sự tiến bộ về tự do hôn nhân, về tình yêu và độ lượng. Bà là tấm gương sáng ngời cho con cháu, chắt… trong gia đình noi theo về đức tính hy sinh, đức tính khiêm nhường… của mẹ kính yêu của tôi. Mùa xuân về, tôi lại da diết nhớ mẹ./.