Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất thuốc tây trái phép tại Hà Nội

Mới đây, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - ma tuý, Công an huyện Thạch Thất và Phòng Y tế huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất tại địa chỉ thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội và phát hiện cơ sở sản xuất thuốc trái phép, có dấu hiệu sản xuất hàng giả mạo là thuốc chữa bệnh.

Theo Đoàn kiểm tra, về hàng hóa tại nơi sản xuất phát hiện 90 kg bán thành phẩm dạng viên nén màu hồng và 2 loại thành phẩm là thuốc gồm:

- Thuốc Tetracyclin TW3 (250mg): 14 thùng (48 hộp/thùng, 400 viên/hộp). Trên nhãn ghi số lô sản xuất 0321, ngày sản xuất 07/7/2021, hạn dùng: 07/7/2024. Số hàng hóa trên có dấu hiệu giả mạo sản phẩm thuốc Tetracyclin TW3 của Công ty Cổ phẩn Dược phẩm Trung ương 3.

- Thuốc Sabumol 2mg: 4.330 vỉ (10 viên/vỉ).

Toàn bộ số hàng hóa trên chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ đăng ký thuốc.

alpja-1665117614.jpg
Lô thuốc alphachoay mới ra thành phẩm, được làm giả nhãn mác tinh vi. (Nguồn ảnh: Cục QLTT TP Hà Nội)

Kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói dùng trong sản xuất thực tế tại nơi sản xuất có các loại nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì nhãn mác gồm:

- 34 bao Maize Starch loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam trên nhãn ghi là tá dược dùng trong sản xuất dược phẩm/thực phẩm, do India sản xuất, ngày sản xuất là 11/3/2022; 12 bao Calcium carbonate, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn có ghi: xuất xứ Trung Quốc; 12 thùng Mannitol loại 25kg/thùng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn có ghi công dụng: Tá dược dùng trong sản xuất dược phẩm/thực phẩm, và ghi xuất xứ từ Pháp, tất cả được phân phối bởi Công ty TNHH TM Hóa Phúc Hưng.

- 08 bao Phụ gia thực phẩm Calcium carbonate heavy loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; 01 thùng phụ gia thực phẩm PVP K30 loại 25kg/thùng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, 2 thứ trên nhãn đều có ghi: xuất xứ Trung Quốc, tên doanh nghiệp: Công ty cổ phần Hóa dược – dược phẩm I.

- 30 bao Lactose loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Trên nhãn có ghi: công dụng là nguyên liệu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, xuất xứ: Mỹ, Công ty nhập khẩu là Công ty TNHH Develing Quốc tế Việt Nam.

- 06 thùng Mannitol loại 25kg/thùng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Trên nhãn có ghi: Sử dụng: phụ gia thực phẩm, sản xuất: Trung Quốc, cơ sở phân phối: Công ty TNHH kinh doanh xuất nhập khẩu Khôi Nguyên.

- 01 túi Menthol Crystar loại 2kg/túi, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn có ghi hướng dẫn sử dụng: làm phụ gia thực phẩm trong sản xuất thực phẩm, xuất xứ Trung Quốc; 02 thùng Povidone K30 loại 25kg/thùng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn gốc ghi xuất xứ Trung Quốc.

- 03 thùng chứa chất bột màu vàng bên trong (loại 25kg/thùng) chưa xác định được là chất gì; 02 thùng chưa chất bột màu trắng bên trong (loại 25kg/thùng) chưa xác định được là chất gì; 05 túi (loại 1kg/túi) chứa chất bột bên trong, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa xác định được là chất gì bên trong; 02 dung dịch màu trắng đựng trong can màu xanh không có nhãn mác gì, loại 20 lít/can. Bà Tuyến chủ cơ sở sản xuất cho biết đây là cồn thực phẩm để dùng trong sản xuất thuốc tại cơ sở.

- 400g Phụ gia thực phẩm màu hồng NS77 dạng bột, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn ghi xuất xứ Thái Lan, thương nhân nhập khẩu và chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Giai; 420g phụ gia thực phẩm màu vàng sản xuất bởi CÔNG TY TNHH RCHA DYECHEM VIỆT NAM; 650g phụ gia thực phẩm màu xanh sản xuất bởi Công ty TNHH Hương liệu thực phẩm và công nghiệp Đình Phương.

xo-chau-1665117759.jpg
Hàng loạt xô chậu được sử dụng để sản xuất thuốc tây trái phép. (Nguồn ảnh: Cục QLTT Hà Nội)

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng tìm thấy nhiều loại máy móc đang sử dụng để sản xuất sản phẩm gồm: máy dập vỉ, máy dập viên, tủ sấy thuốc, dụng cụ vật liệu bao gói sản phẩm.

Toàn bộ nguyên liệu bao gói và tem nhãn sản phẩm trên được đựng trong thùng carton không ghi xuất xứ, tên thương nhân sản xuất hoặc phân phối.

Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia, dụng cụ bao gói dùng trong sản xuất thuốc của cơ sở.

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong sản xuất, hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc và các giấy tờ khác liên quan đến chứng từ nguồn gốc nguyên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc của cơ sở.

Hiện vụ việc đang được các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp xác minh, làm rõ.

Văn Minh