Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp

Với mục đích tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn chặn nạn lưu hành thuốc và thực phẩm chức năng giả, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Thuốc và Thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” diễn ra ngày 22/9/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhức nhối nạn hàng giả, hàng nhái….
Hội thảo có sự tham dự và đồng hành của các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và thực phẩm chức năng đã cung cấp tới người tiêu dùng các chính sách, quy định của nhà nước về chống hàng giả, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp khoa học - công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất.

1-1663906379.jpg
Toàn cảnh hội thảo “Thuốc và Thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” diễn ra ngày 22/9/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, các tham luận của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389); Tổng cục Quản lý thị trường; Viện kiểm nghiệm thuốc; Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam; Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã chia sẻ về hiện trạng thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đồng thời nêu các giải pháp giải quyết vấn nạn này. 

Thuốc và thực phẩm chức năng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống con người, là 2 loại sản phẩm mà con người đưa trực tiếp vào cơ thể của mình để chữa bệnh và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để giảm nguy cơ bệnh tật. Vì nó có tầm quang trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người nên các loại sản phẩm này phải được cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra một cách chặt chẽ, nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của người tiêu dùng. 

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử lý gần 1.500 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hàng hoá lên tới hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ở hầu hết lĩnh vực, trên mọi địa bàn. Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển mạnh dẫn tới ranh giới thực và ảo, sản xuất và kinh doanh, đưa từ cơ sở sản xuất hàng giả đến người tiêu dùng đã có phương thức mới, thông qua các đơn vị vận chuyển dẫn đến việc phát hiện của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng được làm giả rất đa dạng từ thực phẩm chức năng, thuốc, hoá mỹ phẩm, phân bón, giày dép… tất cả những gì mang lại lợi nhuận sẽ được làm giả.

2-1663906428.jpg
Bà Trần Hoàng Kim Anh - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu PN’s Choice thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo “Thuốc và Thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” .

Nhiều vụ việc được kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là thuốc, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ xoong nồi và chảo quấy. Các thực phẩm chức năng giả, thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, lấy đi cơ hội về sức khoẻ, chữa bệnh.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) cho biết: “Vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống, xã hội, đã gây ra biết bao hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn với công nghệ ngày càng tinh xảo hơn. Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ rất lớn, nhất là với nhóm thuốc và thực phẩm chức năng nên nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn trục lợi bất chính”.

Doanh nghiệp phải dùng công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc và chống lại hàng giả
Trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Đồng thời, các vụ án liên quan đến thuốc giả trong thời gian vừa qua được phát hiện và xử lý đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

PGS.TS Lê Văn Truyền - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế), nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo. Cùng với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề tuy xuất nguồn gốc và chống lại hàng giả, hàng nhái”. 

3-1663906492.jpg
Gắn chip và tem chống giả của True Data với công nghệ cao lên sản phẩm thật được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các loại thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.

Là lãnh đạo của doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc cho việc chống hàng giả, ông Trần Minh Huy - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần True Data cho biết: “Sản phẩm của True Data là giải pháp giúp cho người tiêu dùng biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thông qua việc nhận biết được chip True Data. Chip True Data được kết hợp bởi công nghệ RFID (công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) kết hợp Blockchain (công nghệ chuỗi khối) và trí tuệ nhân tạo (AI). Công  nghệ này khá là mới giúp chúng ta có thể nhận biết được sản phẩm như thế nào. Bởi tiêu chí của True Data là đường đi của sản phẩm như thế nào thì dữ liệu được cập nhật như thế đó. Với tiêu chí như vậy thì sản phẩm của True Data sẽ cho người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm cần mua, khi nhận biết được tem của True Data thì người người tiêu dùng biết được sản phẩm được xác nhận từ nhà sản xuất đến nơi tiêu thụ như thế nào”.

Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như mong đợi. Song song với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của nhà sản xuất.

Xuất phát từ khao khát chăm sóc vẻ đẹp Việt bằng niềm tự hào từ chính nguyên liệu Việt, Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất sản phẩm chăm sóc da của PN’s Choice - dòng dược mỹ phẩm đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chiết xuất tự nhiên từ Sâm Ngọc Linh, loại sâm được mệnh danh tốt hàng đầu thế giới. Sâm được công ty chăm sóc, nuôi trồng và phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên, dưới tán rừng Trường Sơn nguyên sinh hùng vĩ. Chính sự đồng điệu trong khát vọng, cộng với sự trùng hợp trong sứ mệnh nuôi dưỡng và tôn vinh những giá trị bản địa đã khiến PN’s Choice khẳng định được thương hiệu vững chắc trên thị trường.

4-1663906551.jpg
Sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam được ươm mầm tại phòng thí nghiệm và gắn chip True Data trên mỗi cây giống nhằm chống lại nạn sâm giả.

Bà Trần Hoàng Kim Anh - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu PN’s Choice thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết: “Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm được mệnh danh là báu vật đại ngàn của Việt Nam. Sản phẩm khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Đối với chuyên gia thì việc phân biệt sâm thật, sâm giả là điều đơn giản, nhưng đối với người tiêu dùng thì hoàn toàn không thể phân biệt”.

“Khi áp dụng công nghệ bảo tồn gen, chúng tôi muốn lưu giữ quốc bảo được trọn vẹn, mang lại lợi thế canh trạnh to lớn trên thị trường sâm quốc tế. Khi gắn chip True Data trên mỗi cây giống, chúng tôi thể hiện trách nhiệm với bà con nông dân. Đồng thời, khi gắn chip True Data trên mỗi sản phẩm, chúng tôi muốn thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng về niềm tin mà khách hàng đã gửi gắm qua năm tháng. Các sản phẩm của PN’s Choice cùng những giá trị mà chúng tôi công bố luôn là điểm tựa để khách hàng tin dùng trong sứ mệnh bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng để xứng với quốc bảo của Việt Nam”, bà Trần Hoàng Kim Anh chia sẻ thêm.

Qua hội thảo, nội dung mà các cơ quan quản lý, các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội trình bày đã bổ sung cho các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng nhiều kiến thức hữu ích trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và hơn hết là chọn lựa công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả, nhằm  bảo vệ thương hiệu, hàng hóa của doanh nghiệp mình cũng là thực hiện sứ mệnh cao cả là bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
                                                                                                                                                                                                           

Đạm Quang Lê