Xóa bỏ tư duy 'càng có nhiều rừng, càng khó khăn'

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra ý kiến trên khi nói về việc nâng cao đời sống của người dân địa phương và các kiểm lâm viên ở các khu rừng.
1-1690716921.jpg
Mô hình hai mẹ con Voi được làm từ những bẫy thú thu lượm được tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 29/7 tại Nghệ An, Bộ NN&PTNT tổ chức Tọa đàm về bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 1,0 triệu ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 789 nghìn ha và rừng trồng 211 nghìn ha. Tài nguyên đa dạng sinh học được phát hiện và ghi nhận khoảng 4.569 loài (3.627 loài thực vật bậc cao, 942 loài động vật có xương sống lớn, nhỏ).

Ông Thông cho biết, duy trì cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế là một thách thức bởi bảo tồn thường phải giữ nguyên trạng. Trong khi đó, phát triển kinh tế phải xây dựng các cơ sở vật chất, tác động vào môi trường thiên nhiên. "Chúng ta cần phải tìm ra những giải pháp sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các nguồn lực, chính sách hỗ trợ và sự tham gia chủ động của các cộng đồng địa phương", ông Thông nhấn mạnh.

Tăng cường phát triển giá trị đa dụng của rừng

Ông Hà Công Tuấn, Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (VAERD) cho biết, những hoạt động thu hút nguồn lực chi trả cho các hoạt động từ rừng chưa dễ dàng thực hiện chi trả cho người dân và các lực lượng bảo vệ rừng. Hiện đã có những cơ chế quốc tế như bán tín chỉ CO2, cho thuê dịch vụ môi trường rừng... được tiếp cận, thậm chí có những đơn vị đặt mua, tuy nhiên, chúng ta chưa có chính sách cụ thể quy định việc thu này vào quỹ và chi trả đến từng đối tượng như chủ rừng, kiểm lâm...

Về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) thông tin về việc Bộ NN&PTNT đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đề án hướng tới mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái rừng… Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng.

Quan điểm cụ thể với phát triển rừng đặc dụng là tiếp tục bảo tồn nghiêm ngặt và phát triển mở rộng; kết hợp phát triển du lịch bền vững, có kiểm soát; phát triển dịch vụ môi trường rừng. Với rừng phòng hộ, Bộ NN&PTNT nêu quan điểm tiếp tục quy hoạch đảm bảo chức năng phòng hộ của các khu vực xung yếu, ven biển; phát triển rừng, phát triển các loại dịch vụ môi trường rừng; phát triển các mô hình nông, lâm ngư kết hợp. Với rừng tự nhiên, sẽ tiếp tục dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên đến năm 2030; kết hợp các chức năng sản xuất nông lâm ngư kết hợp….

Ở mảng rừng sản xuất là rừng trồng, dự thảo đề án xác định đây là nguồn cung cấp chính nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản. Cùng với việc phát triển các cây gỗ lớn, ở rừng sản xuất sẽ hướng tới các loại cây đa tác dụng, quy hoạch vùng trồng ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" dự kiến sẽ trình Chính phủ vào quý III năm nay.

2-1690716956.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tặng quà cho người dân địa phương tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, lâu nay chúng ta vẫn tiếp cận rừng dưới góc độ lâm sinh, lâm nghiệp mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái. Do đó, cần có một góc nhìn khác để phù hợp hơn với thực tế hiện nay, không chỉ là kỹ thuật và còn ở góc độ nhân văn, xã hội, con người và văn hoá. Để có thể làm được điều đó thì mỗi địa phương đều cần có một tư duy mở, xóa bỏ tư duy "địa phương nào càng có nhiều rừng thì địa phương đó càng khó khăn".

Tuy nhiên, do nhiều lực cản, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, chưa thể dựa hẳn vào rừng. Ở khía cạnh khác, thu nhập của cán bộ lâm nghiệp, những người chuyên tâm giữ rừng còn thấp, cơ bản chưa đủ trang trải cuộc sống thường nhật, áp lực đè nặng khiến không ít trường hợp đã bỏ nghề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, hiện Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, sửa một nghị định theo hướng nâng thu nhập cho lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Quan trọng nhất vẫn là cách nhìn nhận, cách tiếp cận, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng phải có phương án tạo ra nhiều việc làm, tạo sinh kế lâu dài dưới tán rừng nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho người dân để phát triển bền vững".

Trước đó, ngày 28/7, trong khuôn khổ chương trình Bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi khảo sát thực tế tại miền Tây Nghệ An về những tiềm năng, lợi thế cùng những tồn tại, vướng mắc xoay quanh lĩnh vực lâm nghiệp, để từ đó hướng đến xây dựng những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trực tiếp trò chuyện, tâm sự cùng những người làm du lịch cộng đồng tại Thác Kèm, Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và lực lượng bảo vệ rừng tại trạm kiểm lâm địa phương.