Huyện Mèo Vạc có hơn 20.700 ha rừng, trong đó có 4.600 ha rừng đặc dụng, 15.700 ha rừng phòng hộ và gần 1.000 ha rừng sản xuất. Rừng ở Mèo Vạc có vai trò vô cùng quan trọng, nó không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Đặc biệt, huyện có Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán rộng hơn 5.400 ha, đây được xem là khu rừng có vai trò đặc biệt quan trọng bởi ngoài vai trò là nơi sinh sống, trú ngụ của hơn 70 loài động, thực vật quý hiếm như: Bách vàng, Thông đỏ, Khỉ vàng, Cầy bạc má, Cu ly… thì còn đảm nhiệm vai trò duy trì nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng trong các nhà trường. Đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho thế hệ trẻ của huyện và với mong muốn mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên trong gia đình, dòng họ để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, năm 2022, đơn vị phối hợp với các trường học tuyên truyền cho gần 100 lớp với hơn 4.200 lượt học sinh tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản luật, thông tư, nghị định liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để giúp học sinh dễ hiểu, đơn vị đã biên tập nội dung tuyên truyền ngắn gọn, trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế địa phương…
Trường PTDTBT THCS xã Lũng Chinh là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm trong tuyên truyền về bảo vệ rừng cho học sinh. Vừa qua, 2 đơn vị tổ chức cho học sinh của trường trải nghiệm thực tế tại khu rừng tự nhiên trên địa bàn xã Lũng Chinh và tổ chức hội thi tìm hiểu về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Nhiều học sinh nhận định: “Sau khi trải nghiệm thực tế và tham gia hội thi đã giúp chúng em nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, có kỹ năng sống cần thiết để xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; biết thêm nhiều loại cây quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam; về nhà, chúng em sẽ tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình về vai trò của rừng cũng như những biện pháp để bảo vệ rừng hiệu quả”.
Cùng với tuyên truyền trong các trường, Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thông qua các buổi họp thôn, chợ bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm địa bàn còn hướng dẫn các thôn lập nhóm Zalo và chuyển các file dữ liệu tuyên truyền bảo vệ rừng đến các nhóm; giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin tuyên truyền một cách nhanh chóng ở mọi lúc, mọi nơi. Cùng đó, đơn vị phối hợp với các địa phương cho người dân ký cam kết về bảo vệ rừng; không mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật; xây dựng các mô hình dòng họ tự quản gắn với công tác bảo vệ rừng.
Song song với công tác tuyên truyền, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là các khu rừng trọng điểm, rừng tự nhiên và Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị như: Phòng Nông nghiệp và PTNT, Công an, Quân sự, Biên phòng trong tuần tra, bảo vệ, phát triển rừng; giải quyết dứt điểm, đúng quy định các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp…
Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiêm lâm huyện Mèo Vạc Nguyễn Viết Xuân: Với việc triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 36,66%, tăng 1,69% so với năm 2021; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm; ý thức, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên… Đây là những kết quả quan trọng tạo nền tảng để huyện phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 37,19% vào cuối năm 2023, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH của huyện./.