Xóa bỏ hủ tục, từng bước nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông

Trong đời sống của đồng bào Mông, bên cạnh những phong tục, tập quán tốt đẹp, thì vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm mê tín, lạc hậu. Những năm qua, thực hiện tốt công tác dân vận, cấp ủy chính quyền địa phương đã từng bước đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng này.
che-lau-1-1721875030.jpg
Bản Ché Lầu, một bản của người Mông tại xã biên giới Na Mèo huyện Quan Sơn.

Nỗ lực gỡ khó cho bản

Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sinh sống tại 44 bản thuộc 10 xã của các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn với gần 3.700 hộ, chiếm trên 17% tổng số đồng bào khu vực miền núi. Phần lớn các hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thiếu tư duy, phương thức sản xuất. Nhiều hủ tục lạc hậu đeo bám khiến đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong tang lễ, với thói quen không bỏ người chết vào trong quan tài mà được đưa lên cáng treo giữa ngôi nhà. Người chết để lâu ngày, mổ nhiều trâu, bò để “báo hiếu” với người quá cố.

Để làm thay đổi dần nhận thức, chuyển biến đời sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, thực hiện Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, với sự chung tay, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cuộc sống đồng bào người Mông từng bước được cải thiện mạnh mẽ.

Qua đó, nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, vận động bà con thay đổi thói quen suy nghĩ, tập quán canh tác, hướng dẫn người dân cách thức trồng chọt, chăn nuôi. Đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với trình độ canh tác của bà con để triển khai thực hiện. Xóa bỏ hủ tục trong tang ma và hôn nhân cận huyết thống, tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc...

Đến nay, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn trồng cây nứa, vầu, mận, đào ao nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... cải thiện thu nhập và thoát nghèo. Số thanh niên, người trong độ tuổi lao động còn đi làm ăn xa. Đáng chú ý, hầu hết đám tang trên địa bàn xã đã được tổ chức theo nếp sống mới, người chết được đưa vào quan tài và không tổ chức ăn uống linh đình gây lãng phí, tốn kém. Nhiều thanh niên nam nữ người Mông đã kết hôn với người dân tộc Thái, Kinh, góp phần hạn chế tình trạng hôn nhân cận huyết thống...

Ghi nhận thực tế tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn mới cảm nhận được sự thay đổi rõ nét trong những nhà sàn của đồng bào Mông nơi đây. Trước đây, họ quen với lối sống du canh du cư, nên tình trạng đói nghèo và hủ tục cứ đeo bám bản từ bao đời nay.

Được sự vận động, tuyên truyền của các cấp ủy chính quyền và Bộ đội Biên phòng, đời sống của bà con đã dần thay đổi, những hủ tục từ đó cũng được đẩy lùi. Không chỉ có vậy, bà con trong bản cũng được hướng dẫn, tập huấn để phát triển kinh tế,  từ đó tạo nên không khí thi đua thoát nghèo trong bản.

che-lau-22-1721875217.jpg
Cán bộ hướng dẫn bà con phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao (ảnh TTVH Quan Sơn).

Ông Thao Văn Sinh, người uy tín của bản Ché Lầu, xã Na Mèo huyện Quan Sơn cho biết: “Sau khi được vận động tuyên truyền, bà con đều tin tưởng nghe theo lời cán bộ, tích cực trồng lúa hai vụ và trồng vầu để làm kinh tế, không còn phá rừng nữa. Ngoài ra, bản cũng xóa bỏ hủ tục như ma chay, cưới xin, giờ đây bản mình không phải lo cái ăn nữa”.

Việc đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông đã góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa. Từng bước xây dựng bản làng văn minh, giàu có, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Thành Lương cho biết: “Cộng đồng người Mông  có rất nhiều phong tục tập quán. Bên cạnh những nét văn hóa tốt đẹp thì vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Để người dân từ bỏ thói quen lạc hậu ấy là chuyện vô cùng khó khăn. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, những năm qua, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống sống cùng bà con, đồng thời thực hiện nghiêm kết luận 684, lựa chọn những người uy tín trong bản để tuyên truyền.

Thông qua người uy tín, những chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được truyền tải đến với người dân. Từ đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, từng bước xây dựng đời sống văn minh, lành mạnh”.

Bản nay khác xưa rồi

Giờ đây, đường về bản Ché Lầu đã được đầu tư xây dựng, xe ô tô đã vào tận trong bản để chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản. Đường bê tông xây dựng đã mở đường cho việc mở rộng điện lưới chiếu sáng. Từ khi có điện, có đường, có sóng điện thoại, đời sống bà con đã bước sang trang mới. Những nông sản làm ra, thay vì gác bếp ăn dần như những năm trước thì giờ đây đã có thương lái đến thu mua tận nhà. Có tiền, bà con bắt đầu sửa sang lại nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết, các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Đặc biệt, từ khi được chính quyền vận động tuyên truyền, những hủ tục lạc hậu của bà con như ma chay cưới hỏi kéo dài hàng tuần vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm thì giờ đây xác chết đã được đưa vào quan tài, đình đám cũng tổ chức gọn nhẹ trong vòng 2 ngày. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong đời sống văn hóa của bản.

Bên cạnh đó, những tập tục canh tác lạc hậu theo kiểu tự cung tự cấp giờ đây đã được thay đổi. Bà con đã chủ động đầu tư mua giống cây mới, ngắn ngày cho năng xuất cao về trồng. Bắt đầu hình thành những vùng nông sản tập trung để phát triển thành sản phẩm đặc trưng của vùng.

che-lau-3-1721875314.jpg
Bản Ché Lầu nay đã phát triển, có đường bê tông, có hàng quán, rất thuận tiện.

Để hỗ trợ bà con, nhiều dự án phát triển kinh tế đã được chính quyền các cấp đưa về đây như: dự án trồng Luồng, trồng vầu, dự án nuôi lợn đen năng xuất cao… Thông qua các dự án đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận người dân trong bản. Người dân đã chủ động làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Mới đây, dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo, đã đưa vào đây trồng thí điểm 2ha cây khoai mán lòng vàng tại bản. Đây là loại cây được bà con bản Ché Lầu trồng nhỏ lẻ, phục vụ đời sống của hộ gia đình từ bao đời nay. Khi được quy hoạch trông trên diện rộng sẽ, góp phần tăng thu nhập, hướng thoát nghèo bền vững cho bà con vùng biên giới.

Bí thư chi bộ, trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu cho biết: Bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Dù cuộc sống bắt đầu đổi thay nhưng đời sống kinh tế - xã hội của bản còn nhiều khó khăn. Vì nông sản làm ra của bà con chưa nhiều. Được sự quan tâm tuyên truyền của chính quyền các cấp về trồng cây khoai mán lòng vàng tập trung người dân trong bản đã đồng tình ủng hộ. Nếu năm được mùa, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích, đưa khoai mán trở thành sản phẩm đặc trưng của bản”.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, “không để ai bị bỏ lại sau lưng”, cùng với những nỗ lực của người dân đã từng bước xây dựng bản Ché Lầu với cơ sở vật chất khang trang, cuộc sống văn minh. Đời sống của bà con cũng dần thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu để chung tay xây dựng bản làng ngày càng phát triển./.

Hà Khải