Truyền đời bảo vệ cột mốc biên cương

Một gia đình người Dao ở vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa nhiều năm qua đã tự nguyện thay nhau bảo vệ cột mốc biên giới, góp phần cùng với Bộ đội Biên phòng gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng cho Tổ quốc.

Xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nơi đây đã có rất nhiều người dân không quản vất vả để bảo vệ cột mốc nơi biên giới, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng toàn dân, trong số đó phải kể đến gia đình cụ Phan Văn Xiết (người dân tộc Dao) bản Suối Tút, xã Quang Chiểu. Cụ Xiết mất năm 2017 nên việc trông coi cột mốc của cụ được giao lại cho các con, các cháu của cụ là anh Phan Văn Cấu, Phan Văn San và Phan Văn Ót.

a3-1692096637.jpg
Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá tuần tra bảo vệ biên giới.

Hơn 20 năm qua, gia đình cụ Xiết tình nguyện làm công việc tuần tra biên giới, thăm kiểm tra cột mốc G6, nay là cột mốc 286 và 287 nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới (tiếng Thái nghĩa là đồi dưới), phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, cụm Súp Hào, huyện Súp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Với tinh thần tấc đất tấc vàng, một tấc không đi một ly không dời, là người dân ở vùng biên giới nên phải quyết tâm bảo vệ cột mốc, bảo vệ từng tấc đất. Nên việc bảo vệ cột mốc là hết sức quan trọng, hết sức thiêng liêng đối gia đình cụ Xiết, đối với Tổ quốc.

Xuất phát từ tinh thần yêu nước, bắt đầu từ những năm 1990, cụ Xiết đã tình nguyện làm công việc băng rừng lội suối đi tuần tra biên giới, thăm kiểm tra và bảo vệ cột mốc 286, 287 mỗi cột mốc cách nhau 2 km. Để đến được các cột mốc này cụ Xiết phải vượt qua quãng đường núi hơn 5 km, băng qua nhiều suối sâu, đèo cao, địa hình hiểm trở. Hành trang trong mỗi lần tuần tra của cụ Xiết là con dao quắm dùng để phát cây trên đường đi, một cuốn sổ ghi chép để ghi lại thông tin mỗi lần thăm mốc, cơm nắm, nước uống mang theo ăn dọc đường. Hành trình của cụ Xiết bắt đầu vào sáng sớm và kết thúc vào chiều muộn cuối ngày. Mỗi lần đến cột mốc, cụ Xiết cẩn thận ghi chép các thông tin liên quan, chỗ cột mốc bị sứt sẹo nếu có, dùng dao phát quang cây cỏ dại lấn vào khu vực cột mốc, đắp đất vào những chỗ đất ở chân mốc bị mưa rừng làm sói lở… Ghi chép thông tin cẩn thận vào sổ ghi chép, cụ Xiết quay về trao đổi lại với Bộ đội biên phòng ở Đồn biên phòng Quang Chiểu đóng trên địa bàn.

a2-1692096706.jpg
Anh Phan Văn Cấu tiếp nối truyền thống bảo vệ cột mốc biên giới của gia đình và được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.

Trong những lần thăm bảo vệ cột mốc, đồng hành với cụ Xiết là người con trai cả Phan Văn Cấu. Anh con trai được cụ Xiết chỉ bảo kỹ lưỡng những công việc mà một người đi rừng cần phải chuẩn bị để lên thăm cột mốc, để anh có thể vững vàng nối tiếp công việc của cụ Xiết nơi biên cương Tổ Quốc. Sau khi cụ Xiết mất, việc trong coi cột mốc được bàn giao lại cho anh Phan Văn Cấu, mỗi khi anh Cấu bận việc nhà hoặc đau ốm thì có anh Phan Văn San và cháu Phan Văn Ót sẽ thay anh đi thăm cột mốc. Năm 2020 anh Phan Văn Cấu vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Anh Phan Văn Cấu, vui vẻ chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì đã tiếp nối truyền thống gia đình trong việc bảo vệ biên giới. Buổi sáng sớm tôi đã phải dậy chuẩn bị sôi, nước uống, muối chấm để lên cột mốc. Đường đi khá khó khăn vất vả, trơn trượt gặp nhiều nhiều muỗi, vắt. Khi đến cột mốc tôi sẽ tiến hành lau chùi, phát quang bui rậm, thấy cột mốc bị hư hỏng, bị di chuyển tôi sẽ báo cáo cho bộ đội biên phòng biết. Khi thấy người lạ định vượt biên tôi sẽ không cho sang, nếu họ cố tình vượt biên tôi sẽ báo lại cho bộ đội biên phòng”.

Hiện nay, Đồn Biên phòng Quang Chiểu có 59 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới xã Quang Chiểu và xã Mường Chanh (huyện Mường Lát) với tổng chiều dài 45,2 km tương ứng với 22 cột mốc. Trong đó có 19 cột mốc được giao cho 19 hộ dân trực tiếp trong coi và 03 cột mốc còn lại các chiến sỹ Biên phòng sẽ trực tiếp trông coi. Xã Mường Chanh có 09 bản tương ứng với 9 cột mốc và xã Quang Chiểu có 13 bản tương ứng với 13 cột mốc biên giới, đã luôn được các hộ dân vùng biên ngày đêm tích cực trông coi.

a4-1692096793.jpg
Đường về bản Suối Tút đã có nhiều thay đổi.

Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết, hàng tháng đồn tiến hành một lần kiểm tra song phương kết hợp với bộ đội biên phòng nước bạn Lào và một lần kiểm tra đơn phương kết hợp với người dân địa phương đi kiểm tra cột mốc biên giới. Vào những dịp lễ, tết đồn thường có quà, giấy khen đến tận nhà động viên, khen thưởng các hộ dân có những đóng góp trong việc bảo vệ cột mốc biên giới.

Sông Lô