Ngỡ ngàng miền biên viễn xứ Thanh

Con đường vào bản giờ đã được bê tông hóa, những ngôi nhà liêu siêu giờ đây đã được dựng lại chắc chắn, gắn số… Không chỉ có vậy, những hủ tục lạc hậu cũng đã được thay đổi bằng nếp sống văn minh, lành mạnh.
1-1719883721.jpg
Bản Ché Lầu nay đã được bê tông hóa, những ngôi nhà đã được gắn số.

Đó là những đổi thay của bản Ché Lầu xã biên giới Na Mèo huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Mới ngày nào, cuộc sống của bản đang phải đối diện với 4 số không tròn trĩnh (không đường, không điện, không sóng điện thoại, không có trường học). Thì giờ đây bản đã khác xưa rồi.

Những ngôi nhà siêu vẹo trước kia đã được dựng lại chắc chắn và được gắn số, con đường bê tông hóa bắt đầu được mang tên. Từ khi ngày có điện, cuộc sống vốn u tịch của bản bỗng ồn ào, đủ loại động cơ, xe máy, ô tô, máy xay xát, máy bào gỗ làm nhà, tiếng của tivi... Con đường nhỏ dẫn từ trục chính vào những mái sa mu cổ cũng đã được bê tông chắc chắn.

Khi cái nghèo bủa vây

Ché Lầu là một trong những bản biên giới khó khăn của xã biên giới Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Bản được hình thành từ năm 1989 trong những lần di cư của cộng đồng dân tộc H’Mông tại xã Nhi Sơn và xã Pù Nhi của huyện Mường Lát.

Bản nằm chông chênh trên sườn những đỉnh núi cao, nên trước khi chưa có đường, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Đường đi đã khó, lại không có điện lưới, sóng vô tuyến, cuộc sống của đồng bào Mông bản Ché Lầu đằng đẵng trong bộn bề túng thiếu. Từ bao đời nay, họ đã quen sống bám vào rừng theo lối sống tự cung tự cấp. Tra xong hạt ngô, hạt lúa... họ quẳng lại đó, trông cậy ở mẹ trời, được chăng hay chớ. Vài mùa mưa qua, đám đất ấy bị rửa trôi, bạc phếch, họ đi sâu hơn vào rừng, trèo lên non cao, tiếp tục đốn hạ những thân gỗ, chỉ để lấy chỗ cho hạt lúa, hạt ngô nảy mầm...

Không chỉ khó khăn về kinh tế, đường đi, bà con trong bản còn bị chói buộc bởi những sợi dây tâm linh vô hình từ muôn vàn kiếp trước. Những hủ tục như ghì chặt ước mơ của bà con xuống đáy bờ vựt sâu thẳm, không lối thoát.

Ông Thao văn Sếnh (SN 1945), một trong những người thành lập bản Ché Lầu nhớ lại: Bà con người H’Mông chúng tôi quen sống với rừng rồi. Trước kia khi chưa có đường đời sống của bản gặp rất nhiều khó khăn. Để có cái ăn, chúng tôi thường dùng xe trâu kéo nông sản xuống dưới trung tâm xã để đổi gạo. Khi trong bản đã có xe máy nhưng muốn đi từ trung tâm lên đây cũng phải quấn xích vào bánh xe mới leo lên được”.

2-1719883837.jpg
Từ khi có đường bê tông, các quán hàng bắt đầu mọc lên để phục vụ người dân.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 2021, con đường từ bản Son lên Ché Lầu đã được bê tông hóa. Từ khi có đường, có điện, đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay. Những không gian u tịch của nghèo đói, tù túng của hủ tục đã bị đẩy lùi, nhường chỗ cho ánh sáng của đèn điện, ánh sáng của văn minh.

Cũng từ đó, tiếng thở dài của núi bao đời nay đã bắt đầu được thay thế bằng những tiếng ê a của trẻ thơ đang theo học con chữ tại bản. Một số cửa hàng tạp hóa tại đây cũng được mọc lên để phục vụ bà con. Những ngôi nhà siêu vẹo trước kia đã được dựng lại chắc chắn và được gắn số, con đường bê tông hóa bắt đầu được mang tên. Từ khi ngày có điện, cuộc sống vốn u tịch của bản bỗng ồn ào, đủ loại động cơ, xe máy, ô tô, máy xay xát, máy bào gỗ làm nhà, tiếng của tivi... Con đường nhỏ dẫn từ trục chính vào những mái sa mu cổ cũng đã được bê tông chắc chắn.

Anh Thao Văn Lâu, Bí thư kiêm Trưởng bản Ché Lầu hồ hởi: “Bản nay khác xưa rồi, những con đường đất giờ đây đã được bê tông hóa, thuận tiên cho việc giao thương đi lại. Không chỉ có vậy, những hủ tục lạc hậu như ma chay, cưới xin tốn kém trước đây cũng được xóa bỏ. Các cháu đến độ tuổi đi học đều được đến trường, nên bà con phấn khởi lắm”.

Bản nay đã khác xưa

Giờ đây, đường về bản Ché Lầu đã được đầu tư xây dựng, xe ô tô đã vào tận trong bản để chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản. Đường bê tông xây dựng đã mở đường cho việc mở rộng điện lưới chiếu sáng. Từ khi có điện, có đường, có sóng điện thoại, đời sống bà con đã bước sang trang mới. Những nông sản làm ra, thay vì gác bếp ăn dần như những năm trước thì giờ đây đã có thương lái đến thu mua tận nhà. Có tiền, bà con bắt đầu sửa sang lại nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết, các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Đặc biệt, từ khi được chính quyền vận động tuyên truyền, những hủ tục lạc hậu của bà con như ma chay cưới hỏi kéo dài hàng tuần vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm thì giờ đây xác chết đã được đưa vào quan tài, đình đám cũng tổ chức gọn nhẹ trong vòng 2 ngày. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong đời sống văn hóa của bản.

Bên cạnh đó, những tập tục canh tác lạc hậu theo kiểu tự cung tự cấp giờ đây đã được thay đổi. Bà con đã chủ động đầu tư mua giống cây mới, ngắn ngày cho năng xuất cao về trồng. Bắt đầu hình thành những vùng nông sản tập trung để phát triển thành sản phẩm đặc trưng của vùng.

Để hỗ trợ bà con, nhiều dự án phát triển kinh tế đã được chính quyền các cấp đưa về đây như: dự án trồng Luồng, trồng vầu, dự án nuôi lợn đen năng xuất cao… Thông qua các dự án đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận người dân trong bản. Người dân đã chủ động làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Mới đây, dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo, đã đưa vào đây trồng thí điểm 2ha cây khoai mán lòng vàng tại bản. Đây là loại cây được bà con bản Ché Lầu trồng nhỏ lẻ, phục vụ đời sống của hộ gia đình từ bao đời nay. Khi được quy hoạch trông trên diện rộng sẽ, góp phần tăng thu nhập, hướng thoát nghèo bền vững cho bà con vùng biên giới.

che-lau-1719883987.jpg
Khu vui chơi giải trí dành cho các cháu nhỏ trong bản cũng được đầu tư xây dựng.

Bí thư chi bộ, trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu cho biết: Bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Dù cuộc sống bắt đầu đổi thay nhưng đời sống kinh tế - xã hội của bản còn nhiều khó khăn. Vì nông sản làm ra của bà con chưa nhiều. Được sự quan tâm tuyên truyền của chính quyền các cấp về trồng cây khoai mán lòng vàng tập trung người dân trong bản đã đồng tình ủng hộ. Nếu năm được mùa, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích, đưa khoai mán trở thành sản phẩm đặc trưng của bản”.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, “không để ai bị bỏ lại sau lưng”, cùng với những nỗ lực của người dân đã từng bước xây dựng bản Ché Lầu với cơ sở vật chất khang trang, cuộc sống văn minh. Đời sống của bà con cũng dần thay đổi, rũ bỏ đi quá khứ u buồn để chung tay xây dựng bản làng ngày càng phát triển.

z5588681344014-5a1bfa1f4797fbc001062d8e44077af7-1719884122.jpg
Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương đang chia sẻ với phóng viên.

Ông Phạm Đức Lương Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo cho biết: “Ché Lầu là một trong những bản người H’Mông đặc biệt khó khăn, hủ tục lạc hậu bủa vây. Trước đây khi chưa có đường, có điện, đời sống của bà con sinh sống chủ yếu dựa vào rừng già. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự vận động tuyên truyền của chính quyền địa phương, đời sống bà con đã dần đổi thay. Bà con bắt đầu chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, chúng tôi đã đưa vào đây trồng tập trung giống khoai mán lòng vàng, bắt đầu có kết quả tốt. Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với bà con trong bản, mà nó còn là niềm vui cho sự thành công bước đầu của chính quyền các cấp. Những người luôn dành tâm huyết với bà con, với bản”.

Giờ đây, trong khắp bản đều ánh lên niềm hân hoan vui mừng khi cuộc sống đã dần khởi sắc. Họ đang bước đi trên con đường mới với suy nghĩ mới, cách làm mới, như một lối đi tắt thu hẹp giàu nghèo giữa các vùng miền. Từng bước xây dựng bản biên cương giàu mạnh./.

Hà Khải