Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
mo-hinh-san-xuat-rau-ung-du-1747964937.jpg
Ảnh minh hoạ.

Nền tảng cho nông nghiệp hiện đại và bền vững

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua sự hình thành ngày càng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn, bao gồm các lĩnh vực như cây ăn quả, rừng trồng lấy gỗ, lúa gạo, cà phê và thủy sản. Những vùng nguyên liệu này đã góp phần quan trọng vào thành công chung của toàn ngành.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khu vực gặp phải những hạn chế như: thiếu sự gắn kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ; chất lượng sản phẩm không đồng đều; chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu; sản phẩm thiếu thương hiệu, khó truy xuất nguồn gốc; chi phí sản xuất cao nhưng hiệu quả đầu tư chưa tương xứng; vai trò hỗ trợ của hợp tác xã đối với nông dân và doanh nghiệp còn mờ nhạt.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là cho xuất khẩu, ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT, phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn cho giai đoạn 2022 - 2025.

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn đã được triển khai tại 13 tỉnh, trải dài từ Bắc vào Nam, với trọng tâm là các sản phẩm nông, lâm sản chủ lực như cây ăn quả, lúa gạo và gỗ rừng trồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ là cơ sở để củng cố, kiện toàn tổ chức sản xuất cho ngành nông nghiệp. Trong khi các tổ khuyến nông cộng đồng ở cơ sở đang có sự bất cập thì việc hình thành vùng nguyên liệu đã vực dậy hoạt động khuyến nông một cánh hiệu quả. Mặt khác, chính việc xây dựng vùng nguyên liệu đã làm thay đổi tư duy sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm. Vấn đề khó nhất hiện nay là chuỗi liên kết, nhưng khi tham gia vào vùng nguyên liệu, bài toán này sẽ được giải quyết.

“Phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn thì ngành nông nghiệp mới đi vào quỹ đạo, khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới có thể tập trung chính sách hỗ trợ có hiệu quả. Cũng chính vùng nguyên liệu là cơ sở để chúng ta củng cố lại các tổ chức sản xuất ở địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Sau gần ba năm thực hiện, năm vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản được định hình và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực: quy mô diện tích được mở rộng, hoạt động sản xuất hiệu quả hơn, chi phí nguyên liệu giảm từ 15 - 20%, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Kết quả này cho thấy phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn không chỉ là hướng đi đúng đắn mà còn là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nông dân và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực.

Tăng tốc triển khai, mở rộng toàn quốc

Để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 - trong đó ngành nông nghiệp và môi trường đặt mục tiêu tăng trưởng trên 4%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD - Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Kế hoạch tăng tốc triển khai, đánh giá kết quả Đề án thí điểm và chuẩn bị đề xuất mở rộng mô hình trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Kế hoạch được đề ra, mục tiêu tổng thể đến năm 2030 là phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn, hiện đại, vận hành theo mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời thiết lập các chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đây được coi là một giải pháp chiến lược trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập, chất lượng sống cho người dân.

Về mục tiêu cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra kế hoạch mở rộng diện tích của năm vùng nguyên liệu thí điểm tại 13 tỉnh từ mức 166.800 ha trong giai đoạn 2022 - 2025 lên 1.829.161 ha vào năm 2030, đồng thời đảm bảo toàn bộ diện tích này có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Cùng với việc mở rộng quy mô, các vùng nguyên liệu mới cũng sẽ được phát triển trên phạm vi toàn quốc theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, ưu tiên tại những địa phương có thế mạnh về sản phẩm chủ lực và tiềm năng cạnh tranh.

Việc triển khai thành công kế hoạch đòi hỏi sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương, nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Không chỉ đóng vai trò trong phát triển ngành nông nghiệp, việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn còn là một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững của quốc gia. Những kết quả tích cực từ Đề án thí điểm đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc định hình mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Năm 2025 sẽ đánh dấu mốc hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, đồng thời mở ra giai đoạn mới hướng đến mục tiêu đến năm 2030: hình thành một hệ thống vùng nguyên liệu quy mô lớn, đạt chuẩn, tạo giá trị gia tăng cao, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Trần Huyền