Cả nước sẽ có 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

Ngày 29/3, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn được triển khai trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long  An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2022-2023, hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả miền núi phía bắc (14.000 ha); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) vùng duyên hải miền Trung (22.900 ha); cà phê Tây Nguyên (19.700 ha); lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (50.000 ha); Cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (60.200 ha).

ky-5-vung-nguyen-lieu-nong-nghiep-1648541622636238843241-1648626158.jpg

Ký thoả thuận hợp tác triển khai đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Giai đoạn này sẽ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu.

Một trong những nhiệm vụ phải làm cho giai đoạn này là đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu.

Giai đoạn 2 từ 2024-2025, mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX. Cụ thể cụm Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistic lúa-tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistic chế biến tôm (huyện Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp); Trung tâm logistic chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng đề án này sẽ khắc phục được những hạn chế của các chương trình vùng nguyên liệu trước đây, trong đó có chương trình cánh đồng lớn. Đồng thời Đề án là bước đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.

Song song với Đề án xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, Bộ NN&PTNT triển khai đề án Khuyến nông cộng đồng. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đội ngũ khuyến nông cộng đồng sẽ là những người trực tiếp sản xuất cùng nông dân, định hướng cho người nông dân về mặt kỹ thuật. Do vậy vai trò của cán bộ khuyến nông cộng đồng sẽ gắn với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản.

Đề án tập trung hình thành tổ khuyến nông cộng đồng trên cơ sở thành phần là cán bộ khuyến nông đang làm việc tại hệ thống khuyến nông tỉnh, huyện, xã, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất.

Như vậy, Tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Đề án này dự kiến thí điểm đổi mới một số cơ chế hoạt động khuyến nông như: thí điểm áp dụng cơ chế hoạt động khuyến nông theo nhu cầu (xuất phát từ nhu cầu của địa phương, cơ sở); cơ chế phối hợp liên ngành (phối hợp, lồng ghép các chương trình, các nguồn lực) để tích hợp đa giá trị. Định hướng hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ.

Nhằm giảm sức ép đối với ngân sách nhà nước và tạo động lực mới cho khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ thực hiện các hoạt động dịch vụ tăng thu nhập cho cán bộ khuyến nông, thu hút nguồn lực tham gia hoạt động khuyến nông, đặc biệt là nguồn lực của các doanh nghiệp.