

Ngày 16/5, Báo NTNN/Dân Việt tổ chức Tọa đàm "Đánh giá, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp - vai trò của nông dân" nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch số 165 - KH/HNDTW về công tác giám sát, phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền năm 2025.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Đỗ Mạnh Hải, Phó Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, từ năm 2014, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Bộ Công Thương đã ký chương trình phối hợp thực hiện giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, vật tư nông nghiệp là yếu tố đầu vào thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, nếu như người nông dân sử dụng đúng, an toàn, chất lượng sẽ gia tăng giá trị hàng hóa, bảo vệ môi trường, sức khỏe, tăng cường sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.
Công tác giám sát vật tư nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định vai trò, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nông dân, từ đó, người nông dân sử dụng và nhận diện an toàn. Vì vậy, chương trình phối hợp thực hiện giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 đã có rất nhiều kết quả tích cực.
Qua chương trình giám sát, cơ bản người nông dân đều thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện tốt. Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 2.600 vụ việc vi phạm.


Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan ở một số nơi còn thiếu tính thường xuyên, đồng bộ. Khi lực lượng cán bộ Hội Nông dân đi giám sát, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thì rất khó tiếp cận sâu, nhất là với các cơ sở có quy trình sản xuất phức tạp. Đây là một điểm yếu và thiếu.
Một điểm yếu nữa là năng lực của cán bộ cơ sở trong việc phân tích, đánh giá, đưa ra kết luận giám sát và kiến nghị chính sách còn hạn chế. Việc đào tạo chuyên sâu, bài bản cho lực lượng tham gia giám sát chưa thực sự được chú trọng. Chính vì vậy, khả năng phản biện, đề xuất điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tiễn cũng còn yếu.

Một nội dung rất quan trọng nhưng vẫn chưa được làm tốt, đó là giám sát đối với các cơ quan nhà nước trong việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách sau giám sát. Hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện, ông Hải nhấn mạnh.
Đồng tình ý kiến, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ: "Tôi xin phép góp ý thẳng thắn, giám sát sản xuất kinh doanh vật tư đầu vào hiện nay còn nhiều hạn chế, giống lúa kiểm soát được nhưng phân bón là khó, rõ ràng nó tạo áp lực cho DN tuân thủ pháp luật khi có sự giám sát. Tôi ví dụ bao bì phân bón chỉ ghi thành phần, nhưng không ghi cách phối trộn vậy giám sát gì, nên đây là cách để doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật. Nông dân hiện nay đang tích cực xây dựng chuỗi nông sản sạch, nếu giống, thức ăn không đảm bảo thì ta không có nguồn nông sản sạch, khó phát triên thị trường. Ý nghĩa cuối cùng là gắn sản xuất an toàn, từ canh tác bừa bãi sang canh tác có tiêu chuẩn kỹ thuật".

Trả lời câu hỏi về cách để người nông dân nhận thức đầy đủ và phát huy quyền giám sát, từ đó góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh: nông dân trước hết cần trở thành những người tiêu dùng thông minh.
Theo ông Thủy, để làm được điều này, bà con nông dân cần không ngừng học tập, tự trang bị kiến thức thông qua việc đọc tài liệu, tìm hiểu các nguồn thông tin chính thống. Việc hiểu biết cách nhận diện và lựa chọn vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả là yếu tố then chốt. Nếu thiếu kiến thức và niềm tin, người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.


Ông Thủy cũng lưu ý một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Hội Nông dân từ một năm trước: tổ chức cho nông dân tham gia chấm điểm, đánh giá chất lượng vật tư đầu vào. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được triển khai hiệu quả và cần được khẩn trương thực hiện. Đối tượng tiên phong nên là những nông dân có kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Việc thu thập thông tin có thể thực hiện thông qua các nền tảng điện tử của Hội Nông dân, tận dụng các công cụ sẵn có để hình thành kênh phản ánh minh bạch.
“Quan trọng nhất, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu ‘đẩy mạnh’, ‘tăng cường’ hay ‘nâng cao’. Chỉ có sự thay đổi thực chất mới tạo ra giá trị mới”, ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Còn theo ông Đỗ Minh Hải, để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, người nông dân cần nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng vật tư nông nghiệp. Việc này không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân, cộng đồng và bảo vệ môi trường sống. Ông Hải cảnh báo: “Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi những giá trị cốt lõi của nền nông nghiệp lâu dài.”

Chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh vai trò chủ động của nông dân trong việc giám sát và sử dụng vật tư nông nghiệp một cách đúng đắn. Ông Hiếu khuyến nghị, trước hết bà con cần tìm hiểu kỹ các thông tin chính thống và quy định pháp luật liên quan đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại vật tư nông nghiệp khác.
Thứ hai, nông dân nên tích cực tham gia giám sát, kịp thời phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Quan trọng hơn, cần nắm vững nguyên tắc “bốn đúng” - đúng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng đối tượng - để sử dụng vật tư một cách hiệu quả và an toàn.
“Chính nông dân là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng nền nông nghiệp sạch”, ông Hiếu khẳng định. Khi mỗi người nông dân cùng thay đổi nhận thức, hành động vì lợi ích chung, sẽ góp phần tạo dựng một nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững.