Bắc Giang quan tâm sử dụng hiệu quả diện tích đất được quy hoạch cho sản xuất nông, lâm nghiệp, hướng tới xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung quy mô lớn để tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến. Theo đó, tỉnh xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu có thế mạnh gồm: rau; quả vải, cam, bưởi; gỗ; sản phẩm thịt lợn, gà.
Để đạt mục tiêu, thời gian tới, Bắc Giang tập trung thực hiện tốt các giải pháp về đất đai; cơ chế, chính sách và thu hút đầu tư; vốn; thị trường; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường. Cụ thể, tỉnh áp dụng các hình thức tập trung ruộng đất, đa dạng hóa các hình thức liên kết người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để từng bước hình thành xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh hàng nông sản của tỉnh Bắc Giang.
Bên cạnh đó, Bắc Giang thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến, chuyển giao các giống mới, các quy trình sản xuất tiên tiến, hiệu quả; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, thông tin, viễn thông, viễn thám trong nông nghiệp…
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dự kiến xây dựng và phát triển 77 vùng sản xuất rau tập trung, với diện tích 7.787 ha; trong đó, có 18 vùng sản xuất rau thuộc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến năm 2030, Bắc Giang duy trì diện tích khoảng 26.000 ha vải thiều, tập trung chủ yếu tại các huyện Lục Ngạn với 15.100 ha, Lục Nam với 5.450 ha, Yên Thế với 1.850 ha, Tân Yên với 1.250 ha...; sản lượng vải thiều đạt 161.000 tấn; trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 17.000 ha, sản lượng 124.100 tấn, sản lượng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 110.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển 41 vùng sản xuất vải tập trung với diện tích 21.219 ha.
Bắc Giang cũng xây dựng và phát triển 9 vùng sản xuất cam tập trung, với diện tích 2.750 ha tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam; xây dựng và phát triển 16 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích 4.034 ha trên địa bàn các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên và Lạng Giang.
Bắc Giang hướng tới xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi lợn, gà tập trung gồm 21 vùng chăn nuôi lợn tập trung với đầu con dự kiến đạt 1,5 triệu con; trong đó, có 10 vùng chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao; 31 vùng chăn nuôi gà tập trung với đầu con dự kiến đạt 23,5 triệu con, trong đó có 14 vùng chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, Bắc Giang sẽ xây dựng và phát triển 14 vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tại 65 xã, với diện tích khoảng 80.000 ha, tập trung tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế…
Với điều kiện về thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thời gian qua, Bắc Giang đã khai thác lợi thế đặc thù tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng. Tỉnh đã quy hoạch, phát triển các vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi tập trung trên địa bàn. Tổng diện tích trồng cây ăn quả tập trung của tỉnh đạt trên 50.000 ha; trong đó, vùng sản xuất vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, với quy mô trên 28.000 ha, sản lượng 160-190 nghìn tấn/năm.
Tỉnh hiện có trên 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, cho thu nhập tăng từ 5-10 lần so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, chất lượng cao để từng bước hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với chất lượng ngày càng cao đã đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chỉ tính riêng sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang – quả vải thiều - đã được tiêu thụ rộng rãi ở trong nước và nhiều nước trên thế giới, mang lại tổng doanh thu trên 6.800 tỷ đồng trong vụ thu hoạch 2021 vừa qua.
Các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng phát triển; tổng đàn gà của tỉnh đạt trên 16 triệu con, đàn lợn khoảng 1 triệu con.