Xây dựng mã số vùng trồng, "giấy thông hành" để nông sản xứ Thanh xuất ngoại

Xây dựng mã số vùng trồng là một bước đi quan trọng để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho nông sản Thanh Hóa. Đây được xem là “giấy thông hành” giúp nông sản được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
ma-so-vung-trong-1-1731478917.jpg
 

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 80 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 655 ha, gồm các loại cây trồng như: ớt, lúa, bưởi, vải, thanh long, khoai lang, chuối, mít.

Việc cấp mã số vùng trồng đã góp phần tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của người sản xuất… Từ đó giúp cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Ghi nhận thực tế tại HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Phong (huyện Yên Định) cho thấy, nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP và được hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, ớt sản xuất tại các vùng trồng này đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Điều này đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến thu mua, trong đó có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9. Với giá bán cao hơn so với các loại cây trồng khác, trồng ớt đã mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, trung bình trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Hay như Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm hiện có 37ha trồng thanh long và vải ngọc được cấp mã vùng trồng. Năm 2023, sản phẩm vải ngọc của Công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương Quốc Anh với giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so quả vải truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết: “Việc xây dựng mã số vùng trồng cho cây thanh long và vải đã giúp chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng Nhật Bản và Vương quốc Anh đánh giá cao. Thành công này đã khích lệ chúng tôi tiếp tục đầu tư để xây dựng mã số vùng trồng cho cây bơ và cây xoài, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị cho nông sản địa phương”.

Việc xây dựng mã số vùng trồng đã góp phần quan trọng đưa giá trị nông sản lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, số lượng mã số vùng trồng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ðể được cấp mã số vùng trồng, người dân phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình canh tác, quản lý, giảm thiểu sinh vật gây hại; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất, được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu.

Ông Đỗ Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật nội địa - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết, Chi cục sẽ tiếp tục rà soát, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức, cá nhân để mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu, giám sát các điều kiện để luôn duy trì mã số đã được chứng nhận.

Để đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của mã số vùng trồng; hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, xử lý kiểm dịch thực vật và tiêu thụ nông sản, để kiểm soát được chất lượng sản phẩm./.

Hà Khải