Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và bảo hộ nhãn hiệu đưa nông sản Việt vươn xa

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức hội thảo và kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và nhiều tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền.

Bởi vậy, Việt Nam hiện có rất nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh như gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, thủy sản, trái cây… Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế còn hạn chế.

Đặc biệt, hiện nhiều sản phẩm nông sản Việt có giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đồng thời, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế đặt ra vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, đặc sản Việt Nam

Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc sản xuất cần tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu nông sản. Việc đánh giá cơ hội, thách thức cũng như phổ biến quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cần thiết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay. 

Thông tin cụ thể về hiện trạng bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông sản Việt Nam, bà Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tính đến ngày 01/8/2022, cả nước có 51/63 địa phương có sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, với số lượng đơn đăng ký là 141 đơn và đã cấp 116 văn bằng bảo hộ; trong đó có 107 sản phẩm đăng ký bảo hộ ở trong nước và 9 sản phẩm đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, tính đến ngày 25/7/2022, cả nước có 705 đơn đăng ký bảo hộ ở tất cả các lĩnh vực và đã cấp 566 văn bằng bảo hộ; trong đó đối với lĩnh vực nông nghiệp có 591 đơn đăng ký bảo hộ và đã cấp 482 văn bằng bảo hộ…

nong-san-viet-nam-1660364205.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Ở Trung ương, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bà Thu cho hay.

Còn ở địa phương thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Việc này dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu thị trường, cũng như nhiều hệ luỵ khác.

Trong khi đó, một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể như HTX chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu dẫn đến nguồn lực bị phân tán, kinh nghiệm tham gia quản lý và thương mại còn hạn chế…

Ngoài ra, có những địa phương chỉ tập trung chính vào khâu đăng ký bảo hộ mà chưa chú trọng đến khâu phát triển thương hiệu, dẫn đến sau khi đăng ký bảo hộ thì gặp khó khăn trong việc quảng bá, tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn, cũng như hạn chế trong việc nâng cao giá trị sản phẩm…

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp, việc đưa các sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế đang đối diện với rất nhiều thách thức. Điều này không chỉ đến từ khâu chất lượng sản phẩm mà còn do năng lực tiếp cận thị trường thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt.

“Trước những thách thức và đòi hỏi của phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, bên cạnh việc sản xuất, các địa phương, doanh nghiệp phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản các vùng miền và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế” - ông Toản nhấn mạnh.

Trước yêu cầu đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần đánh giá được cơ hội và thách thức trong việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại thị trường nội địa và quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nông sản Việt Nam ở cả thị trường trong nước và ngoài nước; những điểm cần lưu ý trong việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản.

Song song với sự chủ động của doanh nghiệp, theo bà Lê Thị Thu, để nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam, về phía Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật đối với việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Đồng thời với đó là đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nói riêng, để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành liên quan đến phát triển tài sản trí tuệ, sở hữu trí tuệ…

Phương Ly (t/h)