Tối 16/5, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khai mạc Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 năm 2024, với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”. Lễ hội lần này có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, Đồng Tháp từ lâu đã rất tự hào là xứ sở của hoa sen và được người dân cả nước biết đến thương hiệu “Đồng Tháp - Đất Sen hồng”.
Sen không chỉ có mặt ở đầm lầy, ở những cánh đồng hoang mà sen còn theo chân người lên phố, vào trụ sở cơ quan, tô điểm cho từng con đường, góc phố, những mảnh vườn, làm đẹp cho quê hương, xứ sở.
Người dân nơi đây còn sáng tạo, tâm huyết khi khai thác thế mạnh của cây sen để chế biến trên 200 món ăn, thức uống bổ dưỡng, thân quen. Trong đó có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.
Với sự kết hợp của tri thức và tình yêu quê hương, nhiều bạn trẻ đã rời phố về quê khởi nghiệp, miệt mài nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm độc đáo như: Tranh sen, tơ sen, áo dài sen nổi tiếng trong và ngoài nước, tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Đây chính là động lực tinh thần to lớn để Đồng Tháp hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, phấn đấu trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách, xứng đáng với danh xưng “Đồng Tháp -Thuần khiết như hồn sen” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.
Với chủ đề chủ đề “Rạng ngời sắc sen” tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mà còn là cơ hội để kết nối, phát huy giá trị kinh tế về sen, đưa sản phẩm sen Đồng Tháp vươn lên tầm cao mới.
Ngay trước thềm lễ hội này, Đồng Tháp đã công bố lô củ sen đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện địa phương đang tiếp tục xúc tiến thương mại sản phẩm sen đến các thị trường Hàn Quốc, Myanmar, Trung Quốc... để sớm hiện thực hóa giấc mơ đưa sen hồng vươn ra thế giới.
Lễ hội sen Đồng Tháp diễn ra từ ngày 16 - 19/5 tại công viên Văn Miếu, TP Cao Lãnh. Đây là sự kiện quy mô cấp tỉnh có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay trong các kỳ lễ hội (30 hoạt động). Trong đó, nổi bật như: Hội thảo quốc tế về sen, hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp, không gian trưng bày sen quốc tế, dòng sông sen, Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ sen, phố ẩm thực sen, diễu hành xe cổ, Lễ hội Carnival sen và chương trình nghệ thuật “Giai điệu tuổi trẻ Đất Sen hồng”; Hội thi thời trang sen, triển lãm ảnh nghệ thuật, tranh và gốm Nam bộ chủ đề Sen Đồng Tháp, hoạt động bích họa sen…
Các hoạt động hấp dẫn như: Thực hiện Bản đồ từ sen lớn nhất Việt Nam, diễu hành áo dài sen, với sự tham gia của 5.500 phụ nữ Đồng Tháp, không gian sen với 66.000 chậu sen, với hơn 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách./.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.800 héc ta diện tích sản xuất sen, với sản lượng hơn 1.500 tấn sản phẩm/năm. Sen được trồng rộng khắp các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng và Tam Nông.
Sen là sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu tỉnh Đồng Tháp, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng để phát triển du lịch. Sen là một trong các ngành hàng chủ lực nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen, có 56 sản phẩm OCOP làm từ sen, 4 sản phẩm từ sen được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Made in Dong Thap”.