Doanh nghiệp và lộ trình xây dựng thương hiệu xanh gắn với chiến lược phát triển bền vững

Các chuyên gia cho rằng cần tìm giải pháp để phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại xanh. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn góp phần xây dựng thương hiệu xanh một cách hiệu quả, cũng như nâng cao khả năng huy động nguồn lực thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh gắn với chiến lược phát triển bền vững của (hệ sinh thái) doanh nghiệp.
chuyen-doi-xanh-4-1719494325.jpg
Kinh tế tuần hoàn góp phần xây dựng thương hiệu xanh một cách hiệu quả, cũng như nâng cao khả năng huy động nguồn lực thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh gắn với chiến lược phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp đối mặt với rào cản xanh trên thị trường quốc tế

Theo các chuyên gia, hiện doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi những thị trường quốc tế, nhưng ngược lại cũng có cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh (thương hiệu xanh).

Bên cạnh đó, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu nên cần có vai trò “dẫn dắt” của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế.

Trên thực tế, kinh tế tuần hoàn góp phần xây dựng thương hiệu xanh một cách hiệu quả, cũng như nâng cao khả năng huy động nguồn lực thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh gắn với chiến lược phát triển bền vững của (hệ sinh thái) doanh nghiệp.

Khi sở hữu thương hiệu xanh, doanh nghiệp có thể kể đến là đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thông qua hình ảnh xanh, niềm tin xanh, sự hài lòng xanh và nhận thức xanh.

chuyen-doi-xanh-1-1719494374.jpg
Dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm khí phát thải. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, hệ thống quy tắc của EU về vệ sinh thực phẩm bao trùm tất cả công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối và đưa ra thị trường đối với nhóm thực phẩm dùng cho người.

Hay dệt may thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm khí phát thải. Đặc biệt, xuất khẩu xanh cho phép nhiều quốc gia đồng thời đẩy mạnh cả kinh tế-xã hội và môi trường phát triển bền vững.

Các sáng kiến xanh và đổi mới công nghệ theo hướng tăng cường lợi ích cho môi trường và cộng đồng có mối tương quan cộng hưởng với năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Báo cáo thị trường của Nielsen cho thấy thị trường toàn cầu cho sản phẩm xanh đang tăng trưởng nhanh hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm khác cùng loại.

Một số báo cáo khác cũng cho thấy, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030.

Thương hiệu xanh nâng tầm giá trị hàng hóa

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã vươn lên top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.

Việt Nam cũng đã cam kết theo những điều khoản cụ thể về bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phía người mua trên toàn cầu, nhằm giảm thải khí hiệu ứng nhà kính và dấu chân môi trường.

Điển hình, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, nhất là nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, gia công nên giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

chuyen-doi-xanh-3-1719494404.jpg
Việc tuân thủ tiêu chuẩn xanh giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản…(Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Bộ Công Thương, có đến 70-80% tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng; còn nhóm hàng hóa nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu...

Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

Điều này xuất phát từ nguyên do là thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

Chuyển đổi xanh tăng nội lực "mềm" cho doanh nghiệp

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn cho rằng giải pháp phát triển nội lực “mềm” cho doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại xanh nên gắn với thực chất những giải pháp CSR (trách nhiệm của doanh nghiệp), ESG (môi trường-xã hội-quản trị doanh nghiệp), Net-Zero (phát thải ròng bằng 0) trong hệ sinh thái doanh nghiệp để hình thành “câu chuyện” xây dựng thương hiệu.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức như tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên… đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của nhà nước.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Tiếp thị phát triển thị trường Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) chỉ ra rằng bằng cách hướng tới nền kinh tế xanh, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường, mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Đồng thời, thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, doanh nghiệp mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững.

Việc tuân thủ tiêu chuẩn xanh giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản… là những thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường.

Áp dụng thương mại xanh giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng và điều này dẫn đến sự tăng trưởng sản xuất kinh doanh, cũng như mở rộng thị trường.

chuyen-doi-xanh-5-1719494115.jpg
Áp dụng thương mại xanh giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng.(Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm, một số doanh nghiệp khác cũng cho hay, quy trình sản xuất xanh thường đi kèm với việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm lãng phí, còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả sản xuất.

Chính phủ Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế đang triển khai đa dạng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, cung cấp tài trợ, tư vấn, đào tạo… nên cộng đồng doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để xây dựng thương hiệu xanh.

Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu và sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế./.

Trọng Bình