Xanh hóa ngành thép để gia tăng sức cạnh tranh

Khi các nước phát triển trên thế giới xây dựng lộ trình phát triển xanh, sẽ tạo ra nhiều rào cản và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.
nganh-thep-1697729843.jpg
Ngành thép bắt buộc phải “xanh hóa” để nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh minh họa

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sản xuất thép sắt, thép là một trong những ngành chịu tác động lớn từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Chính sách này sẽ thí điểm áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023. Cơ chế CBAM được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Trong khi đó, EU là một trong những thị trường xuất khẩu top đầu của ngành thép Việt Nam. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Chính vì thế, Cục Công nghiệp khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt buộc phải chuyển đổi sản xuất theo hướng “xanh hóa” để có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp ngành thép, sản xuất thép của Việt Nam đang đi sau rất nhiều nước, còn thiếu và yếu về công nghệ. Chính vì thế, ngành thép Việt Nam cũng mong muốn Chính phủ có những hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể về công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp trong công tác sản xuất xanh.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng ý kiến về việc gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Do vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác dẫn đến thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.

Từ đó, để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước, các doanh nghiệp thép đều đồng tình với kiến nghị xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh.

Hương Lan