Thép là một trong những ngành công nghiệp cơ bản ở Việt Nam vì sản phẩm của ngành là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, liên quan đến hậu cần (đóng tàu và vỏ container), ô tô, thiết bị gia dụng, cơ khí và các ngành khác.
Ngành thép Việt Nam đã từng bước phát triển và có nhiều đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sản lượng thép thô vượt con số 20 triệu tấn/năm (đạt khoảng 23 triệu tấn vào năm 2021), Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 13 trên thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm.
Tuy nhiên, ngành thép hiện là một trong những ngành có phát thải nhiều nhất ở Việt Nam. Theo ước tính ngành thép thải ra khoảng 122,5 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và khoảng 132,9 triệu tấn vào năm 2030, chiếm khoảng 17% tổng lượng khí thải của cả nước.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, hiện phát triển xanh đã trở thành xu hướng chung, tất yếu của thế giới nhằm hạn chế và loại bỏ các tác động xấu của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế, xã hội. Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các bộ, ngành và cơ quan nhà nước đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và lộ trình trung hòa carbon của ngành công thương đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Ngành thép Việt Nam cũng đã nỗ lực chuyển đổi số, tối ưu hóa công nghê, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một số doanh nghiệp thép đã tận dụng nhiệt dư phát điện đáp ứng hầu hết nhu cầu điện của nhà máy thép liên hợp và bước đầu có kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ngành thép hiện đang phải chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và 46% các quá trình công nghiệp (đã xác định tại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu). Đây thực sự là thách thức rất lớn của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới để vừa hoạt động sản xuất kinh doanh xanh, vừa tăng trưởng xanh cùng bối cảnh chuyển đổi xanh của thế giới.