Những kết quả bứt phá của lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản
Thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD; cá tra là 2 tỷ USD; các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc khoảng 4 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp nước ta đang đi đến những ngày cuối năm 2024 với nhiều điểm sáng, đặc biệt là ghi nhận những kết quả bứt phá của lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản với vị thế mới trên 62,5 tỷ USD. Trong đó, riêng ngành thủy sản đã có cú vượt khó ngoạn mục khi năm nay đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hồi phục trở lại mức trên 10 tỷ USD.
Trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới nhiều thách thức như lạm phát ở các nước lớn, dù được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%; các loại cá khác thu về gần 2 tỷ USD; ngoài ra là đa dạng sản phẩm từ mực, bạch tuộc, cua ghẹ, các loại nhuyễn thể đều có kết quả tích cực. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Những kết quả tích cực của năm nay cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Các chuyên gia nhận định, với kim ngạch ước đạt trên 10 tỷ USD, năm nay xuất khẩu thủy sản nước ta tương đương tăng 12% so với năm ngoái, đứng ở vị trí thứ ba trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. Thành tích ấn tượng này là kết quả của tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp và toàn ngành để vượt qua mọi khó khăn thách thức nhất là thách thức từ thị trường bên ngoài.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Với sản phẩm tôm, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng hiện nay chúng ta chiếm khoảng hơn 50%. Đây là một con số mà không phải quốc gia nào cũng làm được và chúng ta cũng có điều kiện để có thể cạnh tranh được. Trong hoàn cảnh như vậy, đó là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh”.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xanh hoá chuỗi cung ứng, tăng cường công tác chuyển đổi số trong nuôi trồng và luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp thủy sản Việt tăng sức cạnh tranh và tận dụng tối đa các lợi thế để duy trì đà tăng trưởng.
Kiến nghị nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu 16 tỷ USD
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Ông Nam cho rằng vấn đề cốt lõi quan trọng và vấn đề nguyên liệu cho XK và tiêu dùng. "Nông-ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành, nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, còn những bất cập khác nhau. Chúng tôi đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Thứ hai, là soát xét, sử đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi). Thứ ba, là soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư", ông Nam nói.
VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chiến lược xây dựng mô hình các Tập đoàn/ doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển - không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Đối với ngư dân, VASEP kiến nghị rà soát các quy định pháp luật để người dân nuôi trồng thủy sản có thể thế chấp, có thể vay vốn ngân hàng một cách bình thường; Cấp giấy phép mặt nước cho người dân (như dạng "sổ đỏ") để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.
Tập trung cho vấn đề "con giống": kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng; còn với giống cá tra cần phải có quy hoạch cho phát triển giống & có cơ chế ưu tiên cho người làm giống, thu hút các bên tham gia; các tỉnh cần ưu tiên sử dụng các quỹ đất/mặt nước cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm cả diện tích mới và diện tích hết hạn thuê, thay vì chỉ tập trung cho du lịch, phát triển đô thị.
"Chúng tôi đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm-thủy sản như đã triển khai hiệu quả 2 năm qua sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với VASEP&Hiệp hội gỗ ngày 13/4/2023; đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà nông, kinh nghiệm bão số 3 vừa qua cho thấy rõ nhu cầu này", ông Nam nói.
Cuối cùng, đại diện VASEP kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thủy sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hòa phát thải để ngành phát triển ổn định, bền vững.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Chiến lược thủy sản Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 339. Để triển khai chiến lược này, có 12 đề án đã và đang triển khai rất quyết liệt, tích cực. Trong bối cảnh rất khó khăn, xuất khẩu thủy sản vẫn cán đích 10 tỷ USD, thậm chí nếu công bố vào ngày 6/1 là trên 10 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp”.
Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường. Đặc biệt, tập trung nâng cao trình độ chế biến sâu, đây là cơ sở để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 khi tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD./.