Nội dung trên được chia sẻ tại Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản Cà Mau năm 2024 được tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua.
Tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP, trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao
Hội nghị có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều Tham tán thương mại ở các quốc gia có tiềm năng tham dự, đưa ra những khuyến nghị quan liên quan tới nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu các loại thủy sản thế mạnh của Cà Mau.
Thông tin tại Hội nghị cho biết tỉnh Cà Mau có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng và chế biển thủy hải sản. Trong đó, sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP. Trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao. Có 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận cấp tỉnh, 42 sản phẩm cấp khu vực, 15 sản phẩm cấp quốc gia.
Các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên và quy trình sản xuất đạt chuẩn, các sản phẩm OCOP của Cà Mau mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm về chất lượng.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế như: triển lãm thủy sản Bắc Mỹ, Seafood Expo Global; triển lãm thủy sản châu Á Seafood Expo Asia tại Singapore, Trung Quốc, Trung Đông và thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước…
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương tỉnh Cà Mau giới thiệu những tiềm năng phát triển và thế mạnh của Cà Mau. Trong đó, tỉnh Cà Mau ưu tiên lựa chọn các đối tác nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản như tôm, cua sinh thái; các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản lý hiện đại để khai thác tiềm năng thiên nhiên của tỉnh Cà Mau, nhất là dự án xuất khẩu điện tử năng lượng tái tạo; đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, môi trường.
Khi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Cà Mau, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối tiêu thụ sản phẩm; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu; cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nhận diện tiềm năng, cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Cà Mau
Tại hội nghị, đại biểu là các Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc tham luận về các tiềm năng, cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Cà Mau và chia sẻ những thông tin quan trọng giúp các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tận dụng cơ hội xuất khẩu tại các thị trường này. Hầu hết, các đại biểu đánh giá cao thế mạnh của tỉnh Cà Mau nhất là về thủy sản. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm đến giá cả cạnh tranh và an toàn toàn thực phẩm khi xuất khẩu các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước tham luận về xu hướng và tiềm năng của thị trường nội địa, cũng như yêu cầu chất lượng sản phẩm, nhận biết các cơ hội để phát triển sản phẩm. Một số chủ thể OCOP tỉnh giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của cơ sở đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của tỉnh Cà Mau vẫn còn những hạn chế như: Xuất khẩu tôm – mặt hàng chủ lực những tháng đầu năm 2024 rất khó khăn, giá bán giảm khoảng 8%; các sản phẩm đặc sản, OCOP tiêu biểu của tỉnh bị hạn chế bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung. Nhìn chung, các sản phẩm nông thủy sản Cà Mau đang khó mở rộng thị trường và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các kênh phân phối lớn.
Ông Lê Văn Sử mong muốn các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường; phương thức mua/bán, các điều kiện phải đảm bảo trong quá trình hợp tác kinh doanh…
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi khảo sát cho các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu tại các nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, vùng nguyên liệu ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Tại buổi khảo sát, đại diện các chuỗi siêu thị lớn trong nước như: AEON, Coopmart, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Kingfood Mart đã có buổi tham quan, khảo sát quy trình sản xuất sản phẩm OCOP về nông sản, tôm, cua sinh thái tại Hợp tác xã Tài Thịnh Phát và dây chuyền chế biến, xuất khẩu tôm tại Công ty thủy sản Camimex Group...
Đại diện các chuỗi siêu thị cũng đã chia sẻ về nhu cầu và mong muốn kết nối giao thương với các sản phẩm thủy sản của Cà Mau, bao gồm cả tôm đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm, các mặt hàng nông sản OCOP địa phương. Qua đó, việc khảo sát giúp các doanh nghiệp bên phía nhà mua hàng có cái nhìn tổng quan, thực tế hơn về tiềm năng hợp tác, chất lượng sản phẩm của các cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.