Đối chiếu quy định của Luật Nhà ở 2014 và các văn bản dưới Luật cho thấy: Điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định chính sách ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.
Nhưng, khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP lại quy định: Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ngân hàng chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định này”, nên Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn này. Do vậy, khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã không thống nhất, không đồng bộ và trái với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014.
Đồng thời, trong giai đoạn 2015 - 2020, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII quy định danh mục 21 chương trình mục tiêu được chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2015 - 2020, nhưng không có danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nên trên thực tế gần như Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn cho vay ưu đãi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội ( Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 2.000 tỷ đồng kết dư từ nguồn chi ngân sách trung hạn 2015-2020 cho Ngân hàng chính sách xã hội, trong đó có dành ra được 1.162 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội).
Do đó, 4 tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cũng chưa được cấp bù lãi suất, nên các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, hoặc các tổ chức tín dụng được chỉ định, mà phải vay vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại với lãi suất vay thương mại (khoảng 9%/năm), dẫn đến chi phí đầu tư tăng lên làm tăng giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Do vậy trong 7 năm qua, các Chủ tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay vốn ưu đãi và đương nhiên các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê cũng không thể vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 (như Công ty Thiên Phát, Công ty Lê Thành đã đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê), nên chính sách này chưa đi vào cuộc sống.
Do đó, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung danh mục chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dành để “Chi tái cấp vốn, cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở”, để có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội, thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.