Vua “đà điểu” ở vùng quê nghèo

Người đàn ông mà chúng tôi muốn nói đến là anh Nguyễn Văn Trung (SN 1975, thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).

Mỗi năm “bỏ ống” khoảng 1 tỷ đồng

Mở đầu câu chuyện khởi nghiệp, anh Trung không ngần ngại bật mí, anh là người đầu tiên tiếp cận và đưa mô hình nuôi chim đà điểu về địa phương chăn nuôi và đã thành công cho đến ngày hôm nay.

Hơn chục năm nay, gia đình anh luôn duy trì ổn định khoảng 400 con chim đà điểu/lứa/năm. Trung bình, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 90 tấn thịt hơi, khoảng 27 - 30 tấn thịt pha lê (thịt đã được làm sạch - PV). Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn ở miền Bắc. Với giá bán dao động từ 260.000 - 270.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.

“Ngoài bán thịt cho người tiêu dùng, gia đình còn bán da và lông chim đà điểu cho các thương lái để chế biến, làm đồ mỹ nghệ. Da đà điểu được làm ví, thắt lưng..., lông làm len giữ ấm. Hiện, da tươi được bán với giá khoảng 2 triệu đồng/bộ”, anh Trung cho biết thêm.

vua-da-dieu1-1656464045.jpg
Anh Trung giới thiệu về đàn chim đà điểu của gia đình. Ảnh: Mai Chiến

Nhiều năm trở lại đây, để có nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Trung đã liên kết với các hộ chăn nuôi trong địa phương. Bằng cách, mua con giống 1 ngày tuổi ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về úm khoảng 7 - 10 ngày tuổi thì xuất bán cho các hộ và sẽ mua lại chim đà điểu thương phẩm của chính các hộ đó để giết mổ, bán cho người tiêu dùng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Trung nói, đây là loài chim đã được thuần hóa từ hoang dã nên rất dễ gần gũi, chăn nuôi không tốn thức ăn, không mất nhiều công chăm sóc. Trung bình, mỗi con nặng hơn 90kg.

Ngoài ra, chi phí đầu tư thấp, chất lượng thịt lại thơm ngon, ngọt, mềm và không mùi. Thị trường tiêu thụ ít biến động. Đặc biệt, chim đà điểu có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, người chăn nuôi không phải lo nghĩ về vấn đề này.

Hiện trên cổ mỗi chú chim đà điểu của nhà anh Trung đều được gắn mã số. Theo lý giải của anh Trung, thì việc gắn mã số vào cổ giúp chủ trang trại dễ quản lý, dễ chăm sóc và dễ theo dõi được sự sinh trưởng của từng con.

da-dieu-1656464061.jpg
Chim đà điểu được gắn mã số vào cổ để dễ quản lý, chăm sóc. Ảnh: Mai Chiến

Để giúp người chăn nuôi thành công trong mô hình nuôi chim đà điểu, anh Trung khuyến cáo, các hộ không nên nhập đàn vào cuối năm mà nên nhập vào đầu năm, có như vậy con giống mới khỏe, tránh được thời tiết lạnh, thời điểm tiêu thụ không bị trái vụ…

Bên cạnh đó, nguồn thức ăn, nước uống cho chim luôn đảm bảo vệ sinh. Khuôn viên nuôi rộng, thoáng, mát (trung bình 12m2/con). Nên chọn vị trí nuôi xa khu dân cư để tránh tiếng ồn, âm thanh lớn. Bởi, đây là loài chim sợ tiếng động lớn.

Giải quyết bài toán đầu ra

Với anh, để có được thành công như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Anh bảo: “Nếu tôi không phải là người có ý chí kiên cường, thì chắc chắn đã gục ngã sớm”.

Trước đây, anh Trung chủ yếu chăn nuôi bò sữa, lợn, gà…, tuy nhiên những con vật này không đem hiệu quả, nhiều dịch bệnh, rủi ro cao, nên anh xác định nghỉ, tìm hướng đi khác.

vua-da-dieu-2-1656464086.jpg
Năm 2016, anh Trung vinh dự được nhận giải thưởng “Sao thần nông”. Ảnh: Mai Chiến

Năm 2007, trong một lần đi xây, anh tình cờ được “mục sở thị” những chú chim đà điểu có thân hình vạm vỡ, chân dài, cổ cao, bộ lông đẹp. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp “mê hồn” của loài chim này, anh quyết định bỏ ra một số tiền lớn để mua 50 con chim đà điểu giống về nuôi. Trước hết là để ngắm nghía, sau nữa là bán thương phẩm.

Trong quá trình chăn nuôi, do chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của loài chim này nên anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc. Nhờ sự giúp đỡ của 1 cán bộ Thú y, anh dần nắm bắt được một số kiến thức cơ bản.

Sau một thời gian, đàn chim đà điểu đến thời kỳ xuất bán. Tuy nhiên, anh Trung lại “bế tắc” đầu ra, hai vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ nhiều tháng trời. Phải mất gần 1 năm sau, gia đình anh mới tiêu thụ được hết đàn chim đà điểu đó.

“Lứa đầu tiên, gia đình tôi không bán được. Đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Gần 1 năm sau mới tiêu thụ được hết đàn chim đó. Trong khoảng thời gian chưa tiêu thụ được, gia đình lại phải mất thêm 1 khoản chi phí đầu tư thức ăn cho chúng. Thế là, lứa đầu tiên chăn nuôi, tôi lỗ vốn”, anh Trung giãi bày.

nuoi-da-dieu-1656464101.jpg
Gia đình anh nuôi ổn định khoảng 400 con/lứa/năm. Ảnh: Mai Chiến

Với suy nghĩ “bế tắc” ở khâu nào thì “khai thông” khâu đó. Không nản, không gục ngã, sang lứa nuôi tiếp theo, anh nâng số lượng con. Và, quyết định xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Chính sự sáng tạo nhạy bén đó đã giúp anh thành công, khai thông bế tắc. Sản phẩm của gia đình anh được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ đó cho đến nay, anh không còn phải “đau đầu” về vấn đề đầu ra sản phẩm.

Nhờ những thành tích trên, anh Trung vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng quý giá như “Sao Thần nông”, nông dân sản xuất giỏi các cấp...