Chuyện làm giàu từ nghề nuôi hươu lấy lộc

Đã gần 70 tuổi, quá nửa đời người gắn bó với con hươu, trải bao thăng trầm, từ khi mới vào nghề, lúc phát đạt và cũng có khi kiệt quệ vì con hươu, nhưng đến nay, ông Lê Trần Tráng (xóm 22, Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) vẫn sắt son với nghề nuôi hươu lấy lộc...

Năm nay, đã ở tuổi 67, song ông Tráng vẫn giữ thói quen thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, khi trời còn bảng lảng sương đêm. Sau khi vệ sinh cá nhân, ông men theo các lối đi dẫn lên đồi Tương - nơi đặt các chuồng nuôi hươu của gia đình. Nghe bước chân quen thuộc, nghe tiếng kêu “lộc, lộc, lộc” thân thuộc, những con hươu chạy vòng trong chuồng ra chiều mừng rỡ, quấn quýt. Ông dùng tay xoa nhẹ những chú hươu con, hốt thức ăn thừa, nước uống dư của ngày hôm qua ra khỏi máng, dọn vệ sinh chuồng hươu.

Cứ thế, lần lượt hết chuồng này sang chuồng khác, dãy này sang dãy khác thì trời cũng vừa sáng rõ mặt người. Sau bữa cơm sáng, sau cữ nước chè xanh và điếu thuốc lào khi nghỉ lấy sức ông lại mang câu liêm ra vườn hái lá mít, bứt trái non làm thức ăn cho hươu; thay nước uống cho chúng. Công việc của ông như đã được “lập trình sẵn”, cứ thế trải qua ngày này sang tháng nọ, ông làm việc với sự cần mẫn, tận tuỵ và cả lòng yêu thương dành cho con vật nuôi này…

z3498413458335-93df0d82d455c8f24b5292383f44fc3c-1-1655428655.jpg
Ông Lê Trần Tráng gắn bó với nghề nuôi hươu lấy lộc hơn nửa đời mình.

“40 năm gắn bó với con hươu, công việc hàng ngày xoay quanh 3 chữ chăm sóc hươu. Liền tay, liền chân, bận rộn cả ngày nhưng thấy vui, thấy khoẻ. Giờ, có việc đi đâu xa một vài ngày là thấy buồn chân tay, đứng ngồi không yên vì nhớ hươu”, ông Tráng tâm sự.

z3498413753456-fa95f94f48124afbc7ea75f901fe206a-1655428684.jpg
Nghề nuôi hươu lấy lộc giúp ông Tráng đổi đời.

Rót bát chè xanh mời khách, ông kể, quãng đầu năm 80 của thế kỷ trước, ông là một trong những người sớm đưa con hươu về nuôi ở đất Quỳnh Vinh này. Thời gian đầu chập chững bước vào nghề, chưa có kiến thức, chưa có kỹ thuật nuôi nên đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Thời điểm đó, con hươu là gia sản của cả gia đình nên phải dồn hết tâm sức vào việc chăm sóc, làm sao để hươu khoẻ mạnh, phát triển và cho lộc. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, ông lặn lội đến những vùng nuôi hươu có tiếng khắp cả nước để học tập ông cũng tích luỹ được những bí quyết cho riêng mình trong nghề nuôi hươu. Nhờ thế, quy mô trang trại nuôi hươu của ông Tráng ngày một mở rộng, ông nuôi được các con học hành thành tài, cất được nhà gỗ khang trang, bề thế, mua được chiếc xe Draem Thái - giấc mơ của bao người hồi đó cũng nhờ bán lộc hươu.

z3498408246806-2467f9f77b2c4506c228598332aa9a21-1655428900.jpg
Những con hươu đã cho ông Tráng lộc nhung hằng năm.

Có giai đoạn, phong trào nuôi hươu thoái trào, giá nhung hươu xuống thấp, người ta bán hươu với giá vô cùng rẻ mạt, thậm chí là mổ bán thịt nhưng ông vẫn chung thuỷ với con hươu. Ông dốc hết tiền bạc, vốn liếng tích góp được bao năm thu mua hươu mà người nuôi khác đang bán tháo bởi ông không đành nhìn những con hươu bị chết oan và cũng đinh ninh một điều rằng, giá trị của nhung hươu sẽ hồi phục, con hươu vẫn là con “làm giàu” đối với vùng đất bán sơn địa như Quỳnh Vinh.

“Nếu coi nuôi hươu lấy lộc là một nghề thì phải dốc hết tâm sức vào đó, coi trọng nó và thuỷ chung với nó. Yêu nghề, nghề không phụ. Dù đã qua thời vàng son nhưng giá nhung hươu ngày một tăng, theo đúng giá trị thực của nó. Mỗi con hươu sau 2 năm chăm sóc sẽ cho “hái lộc”, mỗi năm 1 lứa cắt lộc, mỗi cặp nhung nếu được mùa, được giá cũng “bỏ túi” cả chục triệu đồng. Nhà nào quy mô, mỗi năm có hàng trăm triệu”, ông Tráng chia sẻ.

z3498408257721-a4b839c8121aa8002784af36b80872dc-1655429015.jpg
Ông Tráng trồng hơn 1.000 gốc mít lấy lá, lấy quả làm thức ăn cho hươu.

Ông Tráng thổ lộ, nghề nuôi hươu, chăm sóc hươu không hề dễ dàng. "Nếu nói “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” thì nghề nuôi hươu vất vả không kém nuôi tằm. Đơn cử như việc dựng chuồng, làm nơi ở cho hươu cũng phải biết cách hướng nào là thích hợp để đón nắng, tránh gió lùa, tránh ẩm thấp, ảnh hưởng đến sức khoẻ con hươu. Người nuôi, ngoài nắm chắc kỹ thuật thì phải am hiểu đặc tính của từng con hươu, là vật nuôi nhưng cũng mỗi con mỗi nết, con thích ăn cỏ, con thích ăn cây ngô, con thì ưa lá mít; có con ưng uống nước mạch, có con lại thích pha thêm tí muối…

Rồi cũng tuỳ vào từng giai đoạn sinh trưởng của con hươu để có cách chăm sóc phù hợp: Giai đoạn hươu 2-3 tuần tuổi thì phải cho ăn thức ăn phong phú, tạo không gian cho hươu vận động; đối với hươu đực lấy nhung thì phải cho ăn nhiều loại lá cây, bổ sung tinh bột và trứng gà để dưỡng sức; giai đoạn hươu động dục thì biếng ăn biếng ngủ; giai đoạn hươu thay lông thì sức đề kháng kém phải thường xuyên theo dõi…Thuận lợi là nhà tôi ở ngay dưới chân đồi Tương, bao trọn đồi Tương nên có vị thế làm chuồng hươu tốt; đất rộng, trồng cả nghìn gốc mít ta, cây xoan đâu lấy lá, lấy quả non cho hươu ăn; ngoài ra, có đất trồng ngô, trồng cỏ, trồng chuối bổ sung thức ăn cho hươu phong phú", ông nói.

Hiện nay, do tuổi cao, sức khoẻ suy giảm nên ông Tráng đã giảm số lượng đàn hươu lấy lộc từ hàng trăm con xuống còn vài chục con và đầu tư nuôi hươu giống. Không chỉ bán hươu giống cho bà con mà ông còn nhiệt tình hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm nuôi hươu cho bà con khi họ có nhu cầu. Bởi với ông, truyền nghề cho người đi sau, xây dựng nghề nuôi hươu làm sinh kế bền vững cũng là cách mà mình yêu nghề, để lại phúc phần cho con cháu về sau…

Mỹ Hà