Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm

Qua đánh giá, mô hình "Chăn nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm" tại 03 hộ gia đình thuộc xóm Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Vịt Bầu Quỳ là vật nuôi truyền thống trên địa bàn vùng Phủ Quỳ xưa ở miền Tây Bắc Nghệ An bao gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... Vịt Bầu Quỳ có khả năng bơi lội, mò mẫm khá tốt. Thịt vịt Bầu Quỳ chắc, hơi dai, không nhũn như các giống vịt công nghiệp. Hơn nữa, thịt vịt Bầu Quỳ thơm, thớ thịt dày, thịt ngọt, giàu dinh dưỡng. Lâu này, giống vịt này là đặc sản nổi tiếng xa gần.

Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Trung tâm khuyến nông tỉnh Nghệ An phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp thực hiện mô hình "Chăn nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm" tại Xóm Yên Luốm, Xã Châu Quang với quy mô đàn 900 con/03 hộ chăn nuôi.

nuoi-vit-bau-quy-anh-1-1654826258.jpg
Mô hình nuôi vịt Bầu Quỳ tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 70% chi phí giống, thức ăn hỗn hợp, dung dịch hoá chất sát trùng, vaccine phòng bệnh cho vịt và thuốc thú y. Ngoài ra, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng trại, vệ sinh sát trùng và các biện pháp phòng bệnh theo hướng an toàn sinh học.

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh Nghệ An thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi vịt Bầu Quỳ theo đúng quy trình kỹ thuật, làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, đầy đủ nên đàn vịt ngay từ đầu đã ổn định và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống đạt 95%.

Là một trong các hộ thực hiện mô hình "Chăn nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm", chị Trương Thị Ngân (chủ đàn vịt 300 con) cho biết, trước đây các hộ nuôi vịt chủ yếu chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ, không có vốn đầu tư, ít tiêm phòng dễ xảy ra dịch bệnh, chưa áp dụng các biện pháp kĩ thuật vào chăn nuôi nhưng vừa qua được hỗ trợ triển khai mô hình "Chăn nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm", được tập huấn kỹ thuật, chị đã áp dụng xây dựng chuồng trại đúng quy cách, đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát cho đến khâu chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt tăng trưởng rất nhanh, gia đình rất phấn khởi.

nuoi-vit-bau-quy-anh-3-1654826317.jpg
Cận cảnh vịt Bầu Quỳ - đặc sản xứ Nghệ.
nuoi-vit-bau-quy-anh-4-1654826336.jpg
Đàn vịt Bầu Quỳ của gia đình chị Trương Thị Ngân, xóm Yên Luốm, xã Châu Quang.

Đặc điểm của vịt Bầu Quỳ là cổ vịt bầu rất ngắn, trông con vịt lừ khừ nhưng chạy rất nhanh, ưa hoạt động và khéo lẩn lút. Chúng giỏi kiếm thức ăn ở các khe suối, đồng ruộng. Vịt Bầu Quỳ có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, gió Lào. Vịt Bầu Quỳ nổi tiếng ngon là do được nuôi theo hình thức thả rông. Thức ăn chủ yếu lúa, ngô, rau xanh, thân chuối thái nhỏ kết hợp thêm thức ăn công nghiệp theo tỷ lệ đạm 17-19%; ngoài ra, có thể cho ăn thêm cá, tép.

“Vịt Bầu Quỳ là đặc sản “đắt khách” trên thị trường, giá bán ổn định trong nhiều năm qua, trung bình đạt 80.000 – 90.000 đồng/kg. Với đàn vịt 300 con, bình quân sau khi trừ chi phí tôi thu về gần 20 triệu đồng”, chị Ngân chia sẻ.

Với hiệu quả tích cực, đại diện UBND xã Châu Quang cho biết, địa phương đang tăng cường khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển “Mô hình chăn nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm” theo hướng trang trại, chú trọng khoa học – kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

nuoi-vit-bau-quy-anh-2-1654826352.jpg
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An kiểm tra đàn vịt Bầu Quỳ của hộ ông Nguyễn Trọng Thanh hồi tháng 5/2022.

Cụ thể, thời gian qua, UBND xã Châu Quang đã phối hợp với huyện và các ngành chức năng tổ chức các khóa tập huấn chăn nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm theo hướng an toàn dịch bệnh. Các khóa tập huấn giúp các hộ chăn nuôi nắm vững quy trình chăm sóc và quản lý đúng kỹ thuật, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, như phòng bệnh bằng vaccine, bằng thuốc tân dược và sử dụng một số loại thuốc để phòng các bệnh cầu trùng, phó thương hàn, bệnh đường hô hấp, đường tiêu hoá, các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan, dịch tả vịt… Đồng thời, ngành chức năng huyện Quỳ Hợp cũng chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ nông dân về công tác quảng bá, kết nối thị trường, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm vịt Bầu Quỳ tại xã Châu Quang. Có thể nói, mô hình “Chăn nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm” đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông hộ cho nhiều gia đình tại nơi đây…

Lê Ngọc