Nội dung trên được thảo luận tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế”. Diễn đàn đã diễn ra 2 phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề "Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu", các đại biểu, diễn giả đã tập trung phân tích các thách thức đối với chính sách tài khóa trong việc kích cầu nền kinh tế, đặc biệt khi dư địa để thực hiện các giải pháp kích thích tăng trưởng đã bị thu hẹp.
Các giải pháp được đưa ra bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; sử dụng các chính sách thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng; cải cách quản lý tài chính công nhằm tăng cường minh bạch ngân sách cũng như hiện đại hóa quy trình lập và thực hiện ngân sách.
Phiên thứ hai với chủ đề "Chính sách tài chính tạo động lực phát triển doanh nghiệp" thảo luận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dài hạn và bền vững. Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nền tảng số vào quản lý tài chính công, đồng thời đề xuất các chính sách cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam.
Quan tâm bố trí vốn làm động lực cho phát triển sản xuất bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Dương Bá Đức cho biết nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024 tiếp tục tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án cao tốc nhằm tạo không gian phát triển.
Cụ thể, năm 2024, vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 101.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng hơn 79.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 22.000 tỷ đồng cho 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông.
Bên cạnh các dự án giao thông, các dự án hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm bố trí vốn làm động lực cho phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại diện Vụ Đầu tư cũng cho biết dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được những kết quả tích cực; vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng để tiếp tục hoàn thành mục tiêu của các chương trình mục tiêu đề ra. Năm 2024, ngân sách trung ương bố trí 27.200 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Qua triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Dương Bá Đức, việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập như các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng tại một số địa phương, thủ tục điều chỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước; vướng mắc về vật liệu xây dựng cho thi công, nguồn vật liệu đất đắp nền đường...
Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 678 nghìn tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách trung ương là 246.000 tỷ đồng (vốn trong nước là 225.500 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương là 432.300 tỷ đồng.
Trong số đó, vốn ngân sách trung ương bố trí cho các dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 27.000 tỷ đồng, bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là hơn 118.000 tỷ đồng.
Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ là hơn 68.000 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm được cho phép kéo dài là 56 nghìn tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 đưa vào nền kinh tế hơn 802.000 tỷ đồng, cao hơn bình quân các năm (năm 2021 là 607,6 tỷ đồng, năm 2022 là 734.200 tỷ đồng, năm 2023 là năm lượng vốn đầu tư công đưa vào nền kinh tế lớn nhất để phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19).
Đây là một nguồn lực quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các ngành nghề, lĩnh vực phát triển mạnh mẽ hơn.
Triển vọng từ những nguồn vốn quốc tế hỗ trợ phát triển bền vững
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 không chỉ là sự tiếp nối truyền thống của các diễn đàn tổ chức từ năm 2017, mà còn tạo ra không gian đối thoại đa chiều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - tài chính Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ: "UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt được quá trình chuyển đổi xanh, bền vững và công bằng, bao gồm huy động các khoản đầu tư tài chính công và tư và thúc đẩy các quan hệ đối tác quốc tế để thực hiện các tham vọng của Cam kết do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Còn ông Gonzalo Serrano de la Rosa - Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: "Trong khuôn khổ diễn đàn, đồng nghiệp của tôi - bà Felicia Stanescu, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp phục hôi và tăng cường khả năng chống chịu của châu Âu. Từ những báo cáo đánh giá giữa kỳ, bà sẽ chia sẻ những bài học sâu sắc về hiệu quả của cơ chế này trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, đồng thời đối phó với những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine. Đặc biệt, cơ chế này còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chuyển đối xanh và chuyền đối số".
Tiếp đó, Ông Dennis Quennet - Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững, GIZ Việt Nam đánh giá, diễn đàn là cơ hội tuyệt vời để thảo luận về các chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam và GIZ rất hân hạnh được tham gia vào quá trình này. GIZ có 30 năm kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, trong đó bao gồm tăng cường quản lý tài chính công.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính và các đôi tác trong công tác xây dựng chính sách và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về quản lý hiệu quả nguồn lực công, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế cũng như phát triển bền vững", ông Dennis Quennet khẳng định.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 11/2024, ước cả nước giải ngân được hơn 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đánh giá những giải pháp tài chính mới được các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các diễn giả trong nước và quốc tế chia sẻ tại Diễn đàn sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng và điều hành chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, cũng như đổi mới toàn diện nền kinh tế trong giai đoạn tới./.