Trà Vinh nhân rộng mô hình trồng dừa hữu cơ

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích nông dân trong tỉnh nhân rộng mô hình trồng dừa hữu cơ, nhất là với diện tích vườn được trồng mới, nhằm tạo sản phẩm sạch, nâng cao thu nhập.

Năm 2020, mô hình dừa hữu cơ được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh hỗ trợ triển khai tại địa bàn xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, với 202 hộ tham gia trên tổng diện tích hơn 220 ha. Tham gia mô hình này, nông dân được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa  hữu cơ, được liên kết với Hợp tác xã Tân Thành bao tiêu sản phẩm, với mức giá đảm bảo cao hơn giá thị trường từ 5-10%.

Ông Nguyễn Văn Chính, một hộ trồng dừa hữu cơ ở xã Tân Hòa cho biết, trước đây hầu hết nhà vườn trồng dừa theo phương pháp truyền thống, sử dụng phân bón hoá học nên thời gian lâu dài vườn dừa kém phát triển, chất lượng trái cao. Khi tham gia mô hình, nhà vườn thực hiện các phương pháp như: không nuôi gia súc, gia cầm trên vườn dừa, không sử dụng phân hoá học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh nên cây dừa phát triển rất tốt, cho năng suất trái cao hơn từ 10-20% so với cách trồng truyền thống.

112237-tra-vinh-dac-san-dua-sap-cau-ke-den-voi-du-khach-1637998370.jpg
Trà Vinh có 23.000 ha trồng dừa. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Theo ông Thạch Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, hiện nay nhiều hộ ở địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích dừa sẵn có sang trồng theo phương pháp hữu cơ. UBND xã đang khuyến khích các nhà vườn cải tạo diện tích vườn tạp, vườn dừa già cỗi để lập vườn dừa hữu cơ giống mới, kết hợp trồng xen các loại cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài, nâng cao thu nhập.

Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lợp, huyện Tiểu Cần thu mua nguyên liệu dừa trái cho biết, 3 năm nay giá dừa khô luôn ổn định ở mức khá cao từ 85.000-90.000 đồng/chục (12 trái) thu mua tại vườn. Giá dừa khô ở mức cao ổn định là do nguồn cung không đủ cầu. Phần lớn diện tích vườn dừa tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh do ảnh hưởng hạn, mặn năm 2019, 2020, làm suy giảm nhiều năng suất, chất lượng trái ước khoảng hơn 40%.

Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Công ty cổ Phần Trà Bắc cho biết, nhu cầu nguồn nguyên liệu dừa khô của đơn vị bình quân trên 500 tấn dừa trái/tháng để sản xuất, chế biến than hoạt tính và các sản phẩm, như: xơ dừa, thảm xơ dừa, cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa cấp đông… xuất khẩu. Do nguyên liệu tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không đủ cho hoạt động sản xuất, nên Công ty cổ phần Trà Bắc phải mua nhập dừa trái từ Indonesia từ năm 2020 đến nay với số lượng hơn 500 tấn/tháng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, tỉnh hiện có tổng diện tích vườn dừa hơn 23.000 ha, với sản lượng cho trái gần 578.000 tấn/năm. Trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả, cây dừa là một trong số cây những trồng được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ, khuyến khích nông dân thực hiện.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang hỗ trợ nông dân liên kết cùng các doanh nghiệp trồng dừa hữu cơ để tạo sản phẩm sạch, tăng giá trị kinh tế cho người trồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích vườn dừa được trồng của tỉnh đạt khoảng 30.000 ha; trong này có 5.000 ha dừa hữu cơ được bố trí trồng tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh./.