Dẫn chúng tôi thăm quan mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng các loại dưa an toàn, anh Nguyễn Văn Nam cho biết, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh đã rời quê hương đi làm thuê ở các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, công việc bấp bênh nên anh luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ về khởi nghiệp tại quê nhà. Trong một lần đọc được bài báo về phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại vùng ven biển, anh Nam đã nảy sinh ý định trồng dưa lưới theo công nghệ cao tại quê nhà.
Sau những năm tháng bôn ba, năm 2017, anh Nam quyết định về quê lập nghiệp, nhận thấy tiềm năng lợi thế của quê nhà có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, anh đã tìm tòi qua mạng internet, báo đài và đến thăm quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Anh Nam quyết định vay vốn người thân, ngân hàng để khởi nghiệp.
Năm 2018, anh đấu thầu 5 ha đất để xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng các loại dưa an toàn; trong đó, trồng chủ yếu 2 loại dưa vàng và dưa lưới Vạn Hoa theo hướng hiện đại, quy mô. Trong 5 ha đất, anh Nam cho xây lắp 4 ha nhà lưới và đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, nhà lưới được thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, có hệ thống làm mát, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, giảm thiểu tác động của thời tiết.
Bên cạnh đó, anh Nam cũng luôn tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc đều tuân thủ nghiêm ngặt sản xuất sạch, phân bón sử dụng cho cây hoàn toàn là phân vi sinh hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cây dưa vàng và cây dưa lưới Vạn Hoa phát triển tốt. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang website nhằm mở rộng quảng bá sản phẩm.
Do thực hiện đúng quy trình chọn giống, cũng như chăm sóc đầy đủ, cây dưa vàng và dưa lưới Vạn Hoa luôn phát triển tốt cho sản lượng từ 3-4 tấn/1.000 m2, đưa ra thị trường 200 tấn/năm. Hiện, sản phẩm dưa vàng và dưa lưới Vạn Hoa đã góp mặt tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh như Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2015-2020), Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet tại Hà Nội. Đặc biệt, sản phẩm “Dưa vàng Vạn Hoa” và “Dưa lưới Vạn Hoa” của anh Nam cũng được tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt OCOP 4 sao.
Nói về những mục tiêu trong thời gian tới, anh Nam cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa ứng dụng công nghệ cao cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Anh Nam cũng sẽ tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp để đầu tư, hướng tới nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương và xuất khẩu nông sản sang thị trường nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, anh Nam cũng hỗ trợ người dân quanh khu vực chuyển giao khoa học kĩ thuật, thực hiện theo mô hình này. Qua đó, giúp họ tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp an toàn, làm tiền đề để vươn lên thoát nghèo.
Ông Mai Trọng, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nga Sơn cho biết, huyện Nga Sơn đang có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có áp dụng tiến bộ công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao; trong đó, mô hình trồng các loại dưa ứng dụng công nghệ cao của anh Nam là một điển hình và cho thu nhập cao. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình của anh Nam và hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong thực hiện mô hình phát triển sản xuất mới để vươn lên thoát nghèo./.