Đưa dưa “xuống núi”
KS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, dưa pepino còn được gọi là pepino dulce trong tiếng Tây Ban Nha, là một loại trái cây mọng nước, ngon ngọt và sử dụng chủ yếu trong các món tráng miệng.
Dưa pepino thuộc họ Solanaceae, cùng với một số cây trồng khác như cà chua, khoai tây, cà tím… Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từng là loại cây trồng quan trọng trong các nền văn hóa của người Nam Mỹ.
Hiện nay, dưa pepino được trồng phổ biến ở Chile, New Zealand và Tây Úc. Tại Chile, hơn 400 ha được trồng ở Thung lũng Longotoma với tỷ lệ ngày càng tăng. Ngoài ra, cây cũng được trồng ở Colombia, Peru, Ecuador, các quốc gia Trung Mỹ, Morocco, Tây Ban Nha, Israel và vùng cao nguyên Kenya. Tại Hoa Kỳ, hàng trăm ha trái cây được trồng với quy mô nhỏ ở Hawaii và California.
Theo KS Nguyễn Thị Nguyệt, dưa pepino được coi là một tổ hợp của các chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin A và beta-carotene. Những chất chống oxy hóa này rất quan trọng để chống lại sự lây lan của các tế bào ung thư, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chữa bệnh tiểu đường, ngăn ngừa lão hóa. Dưa pepino hiện được trồng nhiều ở Đà Lạt, Sapa nhưng chưa thể trồng ở các vùng có khí hậu nóng như TPHCM.
Từ năm 2019, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Xây dựng quy trình trồng dưa pepino (Solanum muricatum) trong nhà màng”, kết quả đã xác định được giống, công thức giá thể và công thức dinh dưỡng (phân bón) phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của dưa pepino trong điều kiện nhà màng.
Năm 2020, nhóm tiếp tục nghiên cứu và xác định lượng nước tưới, mật độ trồng cây và phương pháp tỉa nhánh thích hợp cho cây dưa pepino sinh trưởng và phát triển trong nhà màng. Từ đó xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp để trồng dưa pepino trong điều kiện nhà màng tại khu vực TPHCM cho năng suất cao, chất lượng tốt.
KS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, trồng dưa trong nhà màng có đặc điểm là hệ thống màng lưới bao quanh nên hạn chế được côn trùng xâm nhập phá hoại, từ đó giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dễ dàng đạt tiêu chuẩn an toàn và giảm công chăm sóc.
Ưu điểm của phương pháp này là quản lý được lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón, pH phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cây, quản lý được dịch hại tốt hơn, chủ động được thời vụ trồng…
Ít sâu bệnh, năng suất cao
Quy trình trên đã được áp dụng tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM trong mô hình trồng dưa pepino trên giá thể trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo quy trình, cây đạt số quả trung bình trên cây dao động trong khoảng 3,4 – 6,8 quả/cây; khối lượng quả trung bình dao động từ 140,05 – 221,45g/quả; năng suất thực thu đạt 3.162,1kg/1.000m2.
Theo KS Nguyễn Thị Nguyệt, trồng dưa pepino trong nhà màng tại TPHCM hiện nay khá thuận lợi, góp phần đa dạng hóa cây trồng cho thành phố và khu vực Đông Nam Bộ. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu về sản phẩm rau quả an toàn nói chung và dưa pepino nói riêng ngày càng lớn.
Do cây dưa pepino được trồng trong hệ thống nhà màng nên tỉ lệ xuất hiện các loại sâu bệnh hại không cao, việc quản lý dịch hại cũng tốt hơn, chủ động được thời vụ trồng, trồng tốt trong điều kiện trái vụ do có thể điều khiển được môi trường trong nhà trồng, không cần hoặc sử dụng rất ít hóa chất bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, việc sản xuất tại chỗ cũng hạn chế được tình trạng hư hỏng trái trong quá trình vận chuyển bởi dưa nhiều nước, vỏ mỏng nên rất nhanh hỏng. Vào mùa mưa, điều kiện nhà màng giúp cây không bị ảnh hưởng bởi nước mưa nên không bị hỏng, giữ được màu sắc quả đẹp, chất lượng quả được đảm bảo.
Mặt khác, trong nhà màng có lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương vừa giúp tiết kiệm công lao động, vừa giúp điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cây dưa.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, khi trồng trên 1.000m2, tổng chi phí trồng dưa pepino là 86.094.026 đồng, tổng thu nhập là 150.000.000 đồng. Với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu được khi trồng dưa pepino trên 1.000m2 trong 1 vụ là 63.905.974 đồng.
Hiện, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TPHCM) để sẵn sàng chuyển giao quy trình cho các cơ sở, đơn vị, tổ chức có nhu cầu áp dụng sản xuất.