Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố.
Trong bài phát biểu của mình, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải đối mặt, tập trung vào các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, chất lượng nguồn nhân lực, du lịch, y tế, thuế và phí, chuyển đổi số và kiểm soát đại dịch Covid-19. “Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gần đây. Điều này chắc chắn đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã biến động trong 12 tháng qua, giảm từ 73 điểm trong Quý I năm 2022 xuống chỉ còn 48 điểm trong Quý IV năm 2022 và Quý I năm 2023. Các số liệu của Báo cáo trong Quý I năm 2023 cho thấy có dấu hiệu hy vọng, khi chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp Châu Âu về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, mặc dù BCI vẫn ở mức 48. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của EU cho thấy đà sụt giảm kinh tế đang ‘tạo đáy’ và doanh nghiệp sẽ chứng kiến sự tích cực trong quý tới”, ông Gabor Fluit cho biết.
“Mặc dù, phải đối mặt với một số rào cản trong thời gian gần đây, Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng”, ông Gabor Fluit chia sẻ.
“Các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu đó. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII. Các hợp đồng mua bán điện trực tiếp cũng nên được thực hiện để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Tương tự như vậy, chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU”, ông Gabor Fluit phân tích thêm.
“Cộng đồng Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế xanh. Chúng tôi cam kết hợp tác với Chính phủ để thực hiện những nguyện vọng chung này. Chúng tôi có vinh dự được đồng hành với sự phát triển của Việt Nam và xin gửi lời cảm ơn chân thành về cơ hội chia sẻ những hiểu biết sâu sắc này”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ các công ty và nhà đầu tư điều hướng bối cảnh kinh doanh của Việt Nam, trong trường hợp thuế được áp dụng: “Việt Nam đã nhất quán nhận thấy vai trò quan trọng của FDI đối với nền kinh tế đất nước và đã nỗ lực tạo ra một môi trường thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tăng trưởng dài hạn và hợp tác liên ngành”.
“Các ưu đãi về thuế, Chính phủ sẽ xem xét và thực hiện các chiến lược để thu hút đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế và thúc đẩy sự công bằng cho tất cả các bên liên quan. Điều này sẽ bao gồm cung cấp hỗ trợ cho các công ty liên quan đến thu hồi đất, chi phí nghiên cứu và phát triển, hợp lý hóa hành chính, nhà ở giá rẻ cho cả công nhân và công chúng, các chương trình đào tạo cho nhân viên và cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua mọi thách thức có thể phát sinh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kêu gọi các Bộ, ban, nghành, địa phương phối hợp xây dựng các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, tích cực thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Bộ Công Thương đang phối hợp với tư vấn để đẩy nhanh việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào trung tuần tháng 5 năm nay. Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chiến lược thực hiện và đề xuất các chính sách thí điểm cho các dự án điện gió ngoài khơi”. Liên quan đến cơ chế mua bán điện trực tiếp, ông cho biết, Bộ Công Thương dự định sẽ phân tích kỹ lưỡng và tổng hợp các phản hồi, khuyến nghị của EuroCham và các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chính phủ đang tập trung thu thập và tổng hợp ý kiến phản hồi của nhà đầu tư để hoàn thiện khung pháp lý Nghị định 152 giám sát việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại Việt Nam vào tháng 7. Ông cho rằng, nghị định mới không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư mà còn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế của đất nước trong thời gian tới./.