Việt Nam lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế

Ngày 28/4/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics" do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Báo Công Thương tổ chức.
l2-5e179-1651139574.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Cùng tham dự Hội thảo còn có đại diện các tổ chức kinh tế, thương mại, các tập đoàn; tổng công ty, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, thương mại điện tử, các tổ chức, các quỹ đầu tư, các ngân hàng, sàn giao dịch, đối tác giao hàng và đối tác sử dụng; các tổ chức đào tạo, nghiên cứu về logistics.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao việc Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã phối hợp với Báo Công Thương để tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics”. Chủ đề của Hội thảo mặc dù không mới, nhưng là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Theo thông tin Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Cùng với đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực và diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm. Việt Nam cũng đã nỗ lực đa dạng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất tiêu dùng trong nước thì cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp…

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. “Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Chính phủ Việt Nam đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước; Nắm bắt xu hướng phát triển của ngành, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cơ hội với trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch; Hỗ trợ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế; Tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp logistics giao lưu, tiếp cận với đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tạ Nhị (t/h)