Hiệp hội Logistics Hàn Quốc kiến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử

Tại Tọa đàm chính sách trong lĩnh vực logistics, Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam đã có nhiều kiến nghị giải pháp để phát triển thị trường. Trong đó có kiến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (EDI).
1-1649928019.png

Ông Kim Sam Mo- Tổng giám đốc, Công ty Kukdong Logistics, Chủ tịch KOCA

Nhằm tạo kênh đối thoại về chính sách, chiến lược và định hướng phát triển trong lĩnh vực logistics, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước tổ chức Tọa đàm chính sách trong lĩnh vực logistics.

Đại diện Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCA) ông Kim Sam Mo đã truyền tải nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp (DN) logistics Hàn Quốc tới Chính phủ Việt Nam.

Cụ thể, Doanh nghiệp Logistics Hàn Quốc mong muốn Chính phủ Việt Nam nới lỏng các hạn chế tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực trong ngành logistics, bởi việc này đang kìm hãm đáng kể đầu tư của DN logistic nước ngoài vào ngành logistics Việt Nam.

Xây dựng phát triển hạ tầng logistics mới, chính sách hỗ trợ cho chuỗi cung ứng lạnh các vấn đề cần Chính phủ Việt Nam quan tâm.

Bên cạnh đó, ông Kim Sam Mo đã đề xuất Việt Nam cần hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử). Thông qua EDI, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất thì việc nhận và xử lý nghiệp vụ sẽ thuận lợi và tiết kiệm thời gian.

Trước những kiến nghị trao đổi từ Hiệp hội Logistics Hàn Quốc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh:  Toạ đàm chính sách trong lĩnh vực logistics đã mang đến cơ hội cho các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, hiệp hội và đặc biệt là DN Việt Nam và Hàn Quốc cùng thảo luận về các phương hướng để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư trong ngành logistics nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp.

Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics ở bối cảnh hiện cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Số lượng DN logistic Việt Nam đã tăng từ con số 37.000 năm 2017 lên 41.000 năm 2020 và đang tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực vận chuyển, lưu kho, thông quan và phân phối giao nhận. Thị trường logistic của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm đến hết năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới, thương mại điện tử...

Tạ Nhị (t/h)