Việt Nam khẳng định vai trò trong chiến lược Hợp tác Nam – Nam bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững

Hợp tác ba bên Việt Nam - châu Phi được coi là hình mẫu hợp tác Nam - Nam. Việt Nam tự hào với một nền nông nghiệp sáng tạo, dễ áp dụng, hiệu quả cao... Nền tảng này giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). GIZ hiện có hơn 30 quốc gia châu Phi cùng hợp tác để chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hướng tới phát triển bền vững.
hoi-thao-hop-tac-nam-nam-1-1721961719.jpg
Quang cảnh phiên tọa đàm của Hội thảo hợp tác Nam - Nam chiều 25/7. (Ảnh: Linh Linh).

Việt Nam sẵn sàng hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững

Chiều 25/7, tại Hội thảo quốc tế Tầm nhìn chiến lược Hợp tác Nam – Nam bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững cho châu Phi, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án tại các quốc gia đang phát triển, nhằm thực hiện sứ mệnh chuyển giao khoa học - công nghệ - kỹ thuật nông nghiệp.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký gần 30 văn kiện hợp tác song phương về nông nghiệp với các nước châu Phi, tham gia hợp tác ba bên với gần 10 quốc gia, cử hơn 400 chuyên gia sang làm việc tại châu Phi… Các dự án nông nghiệp mà Việt Nam tham gia giúp tăng năng suất cây trồng từ 2 đến 4 lần, góp phần nâng cao mức sống của người dân và giải quyết an ninh lương thực trong khu vực.

“Hợp tác ba bên Việt Nam - châu Phi được coi là hình mẫu hợp tác Nam - Nam. Việt Nam tự hào với một nền nông nghiệp sáng tạo, dễ áp dụng, hiệu quả cao, đã giúp Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành một nước đảm bảo an ninh lương thực, bây giờ là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số nông sản khác”, ông Mậu chia sẻ.

hoi-thao-hop-tac-nam-nam-2-1721961760.jpg
Ông Phạm Ngọc Mậu: Việt Nam cam kết không chỉ đảm bảo an ninh lương thực. (Ảnh: Quỳnh Chi).

Với trách nhiệm của mình trên trường quốc tế, Việt Nam đã hỗ trợ các quốc gia châu Phi xây dựng các dự án, quy hoạch tổng thể đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc tại nước chủ nhà để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cho cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách.

Phương pháp tiếp cận của Việt Nam trong hợp tác ba bên là kiến tạo các cơ hội cùng học hỏi và phát triển; Tích cực chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin; Học tập và làm việc cùng nhau nhằm mang lại lợi ích cho các nước châu Phi.

Trên cơ sở đó, Phó Vụ trưởng cho rằng, để các dự án nông nghiệp hợp tác hiệu quả, đảm bảo sự thành công, các dự án hợp tác ba bên trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam là hết sức cần thiết. Ở đó, Việt Nam sẽ là bên cung cấp kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia, giống, vật tư nông nghiệp cần thiết và kỹ năng quản lý các dự án nông nghiệp và nước thứ ba sẽ là quốc gia hưởng lợi.

“Việt Nam cam kết không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đưa nông nghiệp từ ngành gây nhiều phát thải trở thành ngành đóng góp vào việc giảm phát thải, tính được tín chỉ carbon để có thể có thêm thu nhập cho nông dân”, ông Mậu bày tỏ.

hoi-thao-hop-tac-nam-nam-3-1721961697.jpg
Hơn 400 chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã được cử sang hỗ trợ châu Phi. (Ảnh: Thanh Thủy).

Thay mặt Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cam kết đồng hành cùng các nước đang phát triển với tinh thần vô tư, hết mình cho đến khi nước bạn làm chủ được khoa học kỹ thuật.

Với sự phát triển của khoa học, đặc biệt là công nghệ AI, ông Mậu cho biết, chuyên gia Việt Nam hiện có thể hỗ trợ trực tiếp các quốc gia châu Phi bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, ông đề xuất các quốc gia nhận tài trợ nên cụ thể hóa quyết tâm sản xuất lương thực, thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa ở cấp chính phủ.

Đây là giải pháp giúp tăng số lượng các dự án hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi hiện ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa hợp tác, chưa tương xứng với mong đợi của chính phủ và người dân hai bên.

GIZ và Việt Nam tìm thấy tiếng nói chung về tăng trưởng xanh, sản xuất xanh

Tại Hội thảo quốc tế về Hợp tác Nam - Nam, bà Sonja Esche, Trưởng nhóm nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết, GIZ có mỗi quan hệ lâu dài với Việt Nam về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp.

Thời gian qua, tổ chức đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, sản xuất xanh. Tại Việt Nam, GIZ đã dành nhiều nguồn lực cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Bộ NN&PTNT và các Sở NN&PTNT để thích ứng và giảm thiếu biến đổi khí hậu.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu, từ năm 2020, GIZ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng hợp tác triển khai hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.

Thành quả của hợp tác này, đó là một dự án được thiết lập và sự ra đời của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam).

“Trong khuôn khổ Hợp tác Nam – Nam, chúng tôi khuyến khích chia sẻ về các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp xanh, phát thải thấp, đảm bảo an ninh lương thực mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã có suốt hơn 30 năm qua. Đó là kinh nghiệm quý báu để chia sẻ với nông dân các nước châu Phi”, bà Esche bày tỏ.

hoi-thao-hop-tac-nam-nam-4-1721961828.jpg
Bà Sonja Esche chia sẻ về triển vọng hợp tác Nam - Nam. (Ảnh: Quỳnh Chi).

Theo đại diện GIZ, trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam, GIZ hiện có hơn 30 quốc gia châu Phi cùng hợp tác để chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hướng tới phát triển bền vững.

Trong số này, thông qua GIC Việt Nam, GIZ đã gây tầm ảnh hưởng đến 16 quốc gia. 14 trong số này thuộc Hợp tác Nam – Nam. Bà Esche cho rằng, việc hợp tác này là một trong những trọng tâm hoạt động của GIZ, cung cấp nền tảng hoàn hảo để các bên liên quan tìm thấy giải pháp cho riêng mình.

“Hợp tác Nam – Nam thể hiện rõ nét sự dẫn dắt của Việt Nam. Các bên liên quan đã rất cố gắng để có được thành công như hôm nay”, đại diện GIZ nhận xét và cho biết thêm, rằng càng về sau, càng có nhiều bên muốn tham gia Hợp tác Nam – Nam.

Nguyên nhân của điều này, là do các tổ chức, cá nhân ngày càng hiểu rõ được những thách thức chung mang tính toàn cầu, trong đó có đảm bảo an ninh lương thực, phòng chống dịch bệnh, xung đột địa chính trị…

Trong bối cảnh thế giới hiện tại, GIZ nhìn nhận vẫn còn rất nhiều thách thức trong tương lai. Do đó, bà Esche hy vọng, sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam không những đóng vai trò dẫn dắt, cung cấp các bài học kinh nghiệm, mà còn là nơi để tạo nguồn đầu tư. Từ thực tiễn khai thác, sản xuất lúa gạo ở những cường quốc lương thực, các nhà quản lý, hoạch định chính sách sẽ có cơ hội để phân tích sâu hơn về Hợp tác Nam – Nam.

“Qua các hợp tác với GIZ, chúng tôi nhận thấy Việt Nam còn nhiều dư địa để tham gia vào Hợp tác Nam – Nam. Hội thảo hôm nay là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia châu Phi chia sẻ nhiều hơn về triển vọng hợp tác tương lai”, bà Esche nhấn mạnh.

Dù vậy, đại diện GIZ cũng thừa nhận, số lượng các dự án hợp tác Nam – Nam trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa hợp tác, chưa tương xứng với mong đợi của chính phủ và người dân hai bên.

Thời gian tới, GIZ hy vọng các bên liên quan sẽ mở rộng hợp tác Nam – Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi lương thực cho các quốc gia châu Phi, bảo đảm an ninh lương thực vì tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Về phần mình, GIZ cam kết tiếp tục nhân rộng các dự án đã và đang triển khai ở Việt Nam như việc hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thông qua Trung tâm GIC Việt Nam.

Tổ chức đến từ Đức cũng khuyến cáo, rằng bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, việc đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường cũng là một vấn đề cần được nhìn nhận đúng đắn./.

Trọng Bình