Ngày 15/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị "Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, các nhà báo và đặc biệt là Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu được ngành du lịch đề ra cho năm 2025 là đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt từ 980 đến 1.050 tỉ đồng.
Sức mạnh của truyền thông báo chí đối với phát triển du lịch Việt Nam
Từ việc thông tin tuyên truyền, phổ biến những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch; truyền thông điểm đến, các sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia, các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; tuyên truyền, lan tỏa kinh nghiệm hình thành, đưa vào hoạt động các mô hình, các điển hình thành công tiêu biểu trong phát triển du lịch và nhiều hoạt động truyền thông khác, Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch Việt Nam đã cho thấy những đóng góp tích cực và sức mạnh của truyền thông báo chí đối với phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.
Tại Hội nghị, đánh giá cao vai trò của báo chí góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ nhấn mạnh, thời gian qua, báo chí đã đóng góp quan trọng cho phát triển du lịch. Những chủ trương, chính sách về phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước cùng nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, liên kết tour tuyến du lịch đều được báo chí truyền tải mạnh mẽ, tăng sức hút của du khách đối với điểm đến.
Lãnh đạo ngành khẳng định chính sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan báo chí đã góp phần để du lịch nước nhà nhanh chóng phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được kết quả như kỳ vọng và mục tiêu đề ra.
Luôn sát cánh cùng các hoạt động của Cục Du lịch Quốc gia, năm 2024, Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch Việt Nam đã tổ chức truyền thông kịp thời, hiệu quả cho Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) 2024; MICE Expo 2024; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới; tổ chức nhiều tuyến bài tuyên truyền phổ biến tổng kết Nghị quyết 08/NQ-TW và Luật Du lịch; năm Du lịch quốc gia Điện Biên…
Theo ông Phạm Văn Thủy, thời gian qua những chủ trương, chính sách về phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước cùng nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm mới, liên kết tour tuyến đều được báo chí truyền tải mạnh mẽ, tăng sức hút của du khách đối với điểm đến.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu trong năm 2025 là ngành du lịch kỳ vọng sẽ đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế.
Muốn đạt được kết quả này, lãnh đạo ngành cho rằng các đơn vị cần đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, quảng bá thương hiệu du lịch. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền.
Khẳng định vị thế quan trọng của truyền thông, báo chí đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam
Nhìn lại năm 2024, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch là ngành có sự phục hồi nhanh nhất trong các ngành kinh tế từ sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên cũng chưa đạt được như kỳ vọng điều đó cho thấy việc phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay không phải dễ dàng.
"Điều đó đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bộ phận, các lĩnh vực trong ngành du lịch, tất cả phải cùng vào cuộc, trong đó công tác truyền thông về du lịch là vô cùng quan trọng", ông Vũ Thế Bình nói.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến rất nhiều ngành và các hoạt động của các vùng, địa phương. Phát triển du lịch là toàn bộ quốc gia phải vào cuộc, vì vậy cần phải đủ sức mạnh, đủ quyết tâm để liên kết các ngành hỗ trợ du lịch. Phải giới thiệu được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, tình hình hoạt động du lịch trên toàn thế giới… Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện được thông qua công tác truyền thông.
Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng của công tác truyền thông và vai trò quyết định của các nhà báo để hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch Việt Nam. Những thông tin của các nhà báo về lĩnh vực du lịch đến được với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương… Từ đó tạo ra sự đồng cảm, hài hòa, sự phối hợp chặt chẽ từ tất cả cộng đồng dân cư để phục vụ cho phát triển du lịch.
“Phát triển du lịch cần có sự chung tay, liên kết của các ngành, địa phương. Trong công tác tuyên truyền, cần làm tốt việc cập nhật thông tin về bản đồ toàn thế giới, đồng thời tích cực quảng bá vị thế, thương hiệu du lịch Việt trên toàn cầu,” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong năm 2025, Hiệp hội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch; tập trung chuẩn bị và tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển du lịch xanh, điểm đến xanh; hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động khác...
Đánh giá đúng sức mạnh và vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông, báo chí đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, từ năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo du lịch. “Sân chơi” này nhằm cung cấp thông tin khách quan đa chiều, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà để góp phần nâng cao sức hấp dẫn, năng lực cạnh tranh cho toàn ngành.
Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho biết, trong năm 2025, Hiệp hội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch; tập trung chuẩn bị và tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển du lịch xanh, điểm đến xanh./.