Hàng Việt Nam khẳng định được chỗ đứng tại thị trường các nước CPTPP
Cùng với 11 quốc gia thành viên ban đầu, CPTPP chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh kể từ ngày 15/12/2024. Cơ hội và thách thức tiếp tục mở ra cho Việt Nam trong năm 2025 cũng như 12 nền kinh tế thành viên của khối thương mại chiếm 15% tổng GDP thế giới và dân số hơn 500 triệu người.
Bà Võ Thị Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết: "Kể từ khi Hiệp định đi vào hiệu lực cho tới nay thì một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như là điện thoại, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ… đã dần dần khẳng định được chỗ đứng tại thị trường các nước CPTPP này. Tôi ví dụ như là mặt hàng tôm của Việt Nam, hiện tại Việt Nam đang là nhà cung cấp khoảng 35% tôm cho thị trường Canada, hay là mặt hàng cá tra thì hiện tại Mexico cũng đang là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất về mặt hàng cá tra của Việt Nam".
Chưa có số liệu tổng hợp cụ thể của cả năm 2024 về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường CPTPP, xong, từng ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu vào các thị trường trong khối CPTPP đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, năm sau cao hơn năm trước và nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi CPTPP khá cao. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP tại các thị trường khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico và Peru - những nước lần đầu tiên có quan hệ hiệp định thương mại với nước ta từ CPTPP. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sau hơn 5 năm thực thi CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá đã tăng hơn 56% tại các thị trường này.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH Hạt điều Vàng (TP HCM) cho biết, thực tế sau gần 6 năm xuất khẩu vào các thị trường này khi có CPTPP.
"Thị phần của thủy sản Việt Nam trên các thị trường này nó tăng đã cho thấy thế mạnh cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam đã được hỗ trợ rất nhiều từ hiệp định CPTPP. Ví dụ như là tại Canada, thị phần của Việt Nam đã tăng từ 7- 8% giai đoạn trước lên tới 10%, trong đó riêng mặt hàng tôm là thị phần của tôm Việt Nam đã tăng từ 18% lên 25%, và tôm Việt Nam đứng số 1 tại Canada. Hoặc là tại Australia, mặt hàng tôm của Việt Nam cũng chiếm thị phần áp đảo là 70%, thị phần này đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước khi Việt Nam tham gia vào CPTPP (trước đó chúng ta chỉ có 32% thôi)…", bà Hằng nói.
Nông sản thực phẩm, dệt may, da giày, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng khá tốt ưu đãi từ CPTPP để gia tăng xuất khẩu và khẳng định chất lượng, ưu thế của hàng Việt tại thị trường này.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết, các thành viên CPTPP đang tiến hành rà soát tổng thể quá trình thực thi hiệp định để tìm kiếm các không gian hợp tác mới. Mặc dù CPTPP đã mang lại nhiều cơ hội, song dư địa phát triển thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên vẫn còn rất lớn. Với việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác đang xin gia nhập, các cơ hội hợp tác trong khuôn khổ hiệp định này sẽ ngày càng mở rộng.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt rõ ràng các lợi ích và cách thức tận dụng CPTPP. Khoảng cách địa lý xa xôi giữa Việt Nam và các quốc gia châu Mỹ là một rào cản lớn về chi phí vận chuyển, do đó, cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu và kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên. Đồng thời, việc xây dựng các kết nối doanh nghiệp trong hệ sinh thái tận dụng FTA, mở rộng các hình thức hợp tác song phương như Việt Nam-Canada, Việt Nam-Mexico, và Việt Nam-Peru là cần thiết để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai.
CPTPP đem lại cơ hội xuất khẩu hàng hoá bởi thị trường được mở rộng
Theo chuyên gia, CPTPP đã tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam tiếp cận thị trường mới, nhưng doanh nghiệp cần phải tăng tốc hơn nữa, tìm hiểu tường tận hơn về cam kết của Hiệp định với từng ngành hàng, đáp ứng tốt yêu cầu về quy tắc xuất xứ để có ưu đãi...
Một vấn đề nữa chính là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Ví dụ, người tiêu dùng ở các thị trường đó đã biết đến cà phê Việt Nam, gạo Việt Nam, thuỷ sản Việt Nam… thế nhưng lại chưa biết đến một thương hiệu cụ thể nào của Việt Nam.
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, dư địa để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường CPTPP, nhất là khu vực châu Mỹ như Canada, Mexico và Peru vô cùng lớn. Có những mặt hàng hiện nay nước ta chỉ chiếm khoảng 3 - 5% thị phần tại các thị trường.
Nhiều mặt hàng xuất sang CPTPP được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi cũng chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối này. Việc CPTPP có hiệu lực từ cuối năm 2024 với Vương Quốc Anh mở ra thị trường xuất khẩu lớn cho hàng Việt tại thị trường này cũng như các thị trường mà Anh đã có FTA.
Chia sẻ về giải pháp để xây dựng thương hiệu hàng Việt tại CPTPP, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, về vấn đề xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp không nên cứng nhắc. Các doanh nghiệp nên “đi bằng hai chân”. Theo đó, một mặt doanh nghiệp không nên từ chối các đơn hàng mang tính chất gia công, bởi vì sẽ giúp ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định nguồn tiền, dòng tiền để có công ăn việc làm cho công nhân. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm gia công thì những giá trị sẽ càng ngày càng mòn đi và các cơ hội thị trường mà chúng ta có được từ các FTA càng ngày càng giảm dần.
Ông Ngô Chung Khanh chia sẻ, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu cho thấy, tư duy các lãnh đạo đều có một điểm chung là họ dám làm và dám chấp nhận những rủi ro.
Bên cạnh đó, có một chiến lược tiếp cận xác định, tìm hiểu thị trường xem có những yêu cầu gì. Mỗi thị trường như Canada hay Hoa Kỳ hay Nhật Bản, EU đều có tiêu chuẩn khác nhau và doanh nghiệp phải nghĩ đến tiêu chuẩn đó. Doanh nghiệp phải xác định nghiên cứu yêu cầu thị trường rồi mới nhìn lại doanh nghiệp xem mình có gì.
Ngoài ra, có một chỉ dẫn và bám sát vào chỉ dẫn như của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, hay Thương vụ tại nước ngoài… Bởi vì họ hiểu thị trường, họ có những quan hệ, kết nối mà không có những kết nối đó, không có quan hệ đó thì thực tế rất khó vào thị trường.
CPTPP đem lại cơ hội xuất khẩu hàng hoá bởi thị trường được mở rộng. Nhưng CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, đòi hỏi nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp Việt trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Điều mà theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, CPTPP là một FTA tạo ra sự đổi mới và bứt phá cho sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trên toàn cầu, trong đó có ngành dệt may. CPTPP đã cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand… Đồng thời, cũng giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thích ứng với cách thức mua hàng của các nhà nhập khẩu trong khối kinh tế này.
CPTPP đặt ra yêu cầu về chứng nhận xuất xứ, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất từ nguyên liệu đầu vào. Xanh hoá là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ cuộc chơi trong CPTPP. Và đây chắc chắn không phải chỉ là đòi hỏi từ thị trường CPTPP mà của tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam./.