Sáng 18/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức hội thảo "Tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030".
Hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc phát huy lợi thế nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Việt Nam và Hàn Quốc đều có tiềm năng và lợi thế hợp tác phát triển nông nghiệp. Hàn Quốc là nước có nền nông nghiệp hiện đại, giống cây trồng phong phú. Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm nổi bật như: gạo, rau và trái cây, thủy sản, cây công nghiệp...
"Hàn Quốc có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản mà Việt Nam rất muốn hợp tác trong thời gian tới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Đánh giá về thực trạng hợp tác giữa hai bên, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm gần đây đã đạt được kết quả ấn tượng.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến 2023. Năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 51,57 tỷ USD các sản phẩm NLTS, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 5, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm NLTS của nước này.
Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung vào chuyển giao công nghệ về phát triển cây nhiên liệu sinh học, các giống rau cao cấp, công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển cây ăn quả ôn đới, phát triển khuyến nông, ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp; thúc đẩy thương mại nông sản có thế mạnh của hai nước.
Tuy nhiên, ông Phong cho biết, thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn một số hạn chế như xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Hàn Quốc còn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn; chủ yếu là sản phẩm dưới dạng thô, sơ chế nên giá trị còn thấp.
Ngoài ra, Hàn Quốc có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi năng lực của các nhà nhập khẩu còn nhiều hạn chế về công nghệ. Mặc khác, nông sản Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam cũng gặp một số trở ngại. Các nông sản giá trị cao của Hàn Quốc khó tiếp cận các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình tại Việt Nam.
Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc
Bà Lee Hye Jin, Đại học Konkuk (Hàn Quốc) cho biết, việt xây dựng tầm nhìn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hai bên còn nhiều dư địa để khai thác. Môi trường chính sách, kinh tế Việt Nam và quốc tế đang có sự thay đổi, từ đó yêu cầu cần có một chiến lược hợp tác mới.
Theo bà Lee, các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc theo tầm nhìn bao gồm chuỗi giá trị nông sản; phát triển nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp; thương mại nông sản; nâng cao năng lực cho nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, bên cạnh các chương trình, dự án hợp tác truyền thống, “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2024 - 2030” cần tập trung phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế so sánh của hai bên; đa dạng hóa các loại hình hợp tác từ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến các hình thức đầu tư mới như đối tác công tư, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị; khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp; nâng cao chất lượng và giá trị thương mại NLTS giữa hai nước…
“Đây là báo cáo hết sức quan trọng và thiết thực. Qua đó xác định các lĩnh vực hợp tác tiềm năng phát huy tối đa lợi thế so sánh của hai quốc gia, đa dạng hóa các loại hình hợp tác, đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả to lớn như góp phần đẩy mạnh tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững; Thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng bền vững và bao trùm; Tăng cường cơ cấu hợp tác giữa khu vực công (chính quyền Trung ương và địa phương) và khu vực tư nhân (trong nước và FDI từ Hàn Quốc)”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Về phía Hàn Quốc, ông Chang Won Sam, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho biết, nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên, được hỗ trợ theo chiến lược chung và dài hạn.
Cụ thể, trong nông nghiệp, mặc dù tỷ trọng trong đầu tư nước ngoài FDI còn thấp nhưng quy quy mô ODA liên tục tăng. Tuy nhiên, dự kiến năm 2030, Việt Nam sẽ gia nhập vào danh sách quốc gia thu nhập trung bình cao nên không thể tránh khỏi việc thu nhỏ quy mô dự án ODA. Để đẩy mạnh thu hút các dự án vốn đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp, về lâu dài cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả.
Ông Chang nhấn mạnh, KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua nhiều dự án như cải thiện chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết thị trường, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, số hóa, đổi mới cải tiến,... Qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Việt Nam, đảm bảo tính phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.
"Từ khóa hợp tác thời gian tới là: số hóa, biến đổi khí hậu, đổi mới cải tiến, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Việt Nam, đảm bảo tính phát triển bền vững", ông Chang Won Sam nhấn mạnh./.
Thông tin về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng các mặt hàng nông sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang thị trường này tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến năm 2023. Hiện Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 4 của nông lâm thủy sản Việt Nam.
Về đầu tư, mặc dù Hàn Quốc đứng đầu về vốn FDI vào Việt Nam, song FDI Hàn Quốc vào ngành nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm 0,17% tổng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam. Các đầu tư tập trung chủ yếu ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu và chính sách ưu đãi đầu tư. Đến năm 2022, có 39 dự án còn hiệu lực.
Về vốn ODA, Hàn Quốc là đối tác hỗ trợ lớn thứ hai cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Vốn ODA của Hàn Quốc đã góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, vốn ODA của Hàn Quốc cho nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ chiếm 3,36% tổng ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam.