Ngày 28/11, tại TP.HCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các đối tác tổ chức chương trình tọa đàm “Tín chỉ carbon - chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0”.
Chương trình toà đàm có sự tham dự của hơn 200 đại biểu. Các diễn giả trình bày 5 bài tham luận trong 2 phiên thảo luận với 2 chủ đề: "Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" và "Tín chỉ carbon - Giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng".
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hải Nam, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn cho biết, thông qua tọa đàm lần này, người dân có thể được tiếp cận thêm và tìm hiểu sâu hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin, hoạt động chuyên môn của Bộ TN&MT và các Bộ, ban, ngành về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
"Đặc biệt là thông tin hoạt động về nghiên cứu, xây dựng các quy định và thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, chúng ta có thể tái khẳng định tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và thống nhất về tư duy, nhận thức đối với các vấn đề, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu", đồng chí Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Các tham luận đã cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quá trình nghiên cứu, xây dựng quy định về tín chỉ carbon; đồng thời tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý kiến, sáng kiến về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hiến kế xây dựng thị trường tín chỉ carbon...
Phát biểu tổng kết, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: “Chương trình tọa đàm hôm nay đã mang lại cho chúng ta những kiến thức, thông tin bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như những hiểu biết về tín chỉ carbon.
Ông Vũ Minh Lý hy vọng các đơn vị sẽ tiếp tục duy trì, tổ chức thêm nhiều chương trình tọa đàm như vậy để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thêm những diễn đàn trao đổi chuyên sâu về vấn đề bảo vệ môi trường và tín chỉ carbon, cùng nhau chia sẻ, kết nối và chung tay hành động vì một Việt Nam xanh.
Dịp này, Lễ tổng kết chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” cũng được diễn ra nhằm tổng kết hoạt động trong năm 2023 và cùng nhìn lại 3 năm triển khai chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2021 - 2023. Qua 3 năm hoạt động, chương trình đã trồng được 191.000 cây xanh.
Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao phụ trách Khối Sản xuất và Chuỗi cung ứng Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ: "Chiến lược và các chương trình phát triển bền vững của Suntory PepsiCo luôn song hành cùng các cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” triển khai trong 3 năm qua mang đến những kết quả thiết thực, tăng cường phủ xanh rừng đầu nguồn nhằm giữ đất, giữ nước, duy trì đa dạng sinh học và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi cam kết triển khai các hoạt động phát triển bền vững xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất, cải tiến bao bì sản phẩm cho đến các chương trình tạo ra tác động tích cực cho môi trường và cộng đồng".
Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon, tín chỉ carbon tự nguyện và bắt buộc, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn Giao dịch tín chỉ carbon ASEAN - CCTPA cho biết, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí thải nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2.
“Nghị định 06/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon có quy định về lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028. Đến hết năm 2027, xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon; thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Dù còn nhiều việc phải làm để vận hành và quản lý thị trường này, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng về việc Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Võ Trường An nhận định.
Bên cạnh đó, trong ngày 28/11, Trung ương Đoàn cũng cho ra mắt Bản đồ số “Vì một Việt Nam xanh”, cung cấp các thông tin về rừng Việt Nam, kết quả triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và chương trình “Chung tay phủ xanh Việt Nam”.