Trung Quốc chi 30,8 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong 7 tháng

Trung Quốc là thị trường hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương về xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu lên tới 30,8 tỷ USD.
dua-vua-trai-cay-nhiet-doi-viet-nam-bay-xa-1692609690.jpg
Sầu riêng là một trong những loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc - Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 7/2023 đạt hơn 4,56 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước đó.

Lũy kế 7 tháng 2023, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt 30,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng là thị trường lớn hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương về xuất khẩu trong 7 tháng qua của nước ta.

Cụ thể, 7 tháng năm 2023 nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 13,6% chiếm 24,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 7,1 tỷ USD, chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu, giày dép 1,02 tỷ USD, tăng hơn 10%...

Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước: Hàng rau quả tăng 128,5%; gạo tăng 70,3%; hạt điều tăng 33,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 100,1%; xăng dầu tăng 48%; than các loại tăng 159,3%.

Một số nhóm hàng giảm, gồm: Máy móc, thiết bị phụ tùng giảm 5,7%, mays ảnh, máy quay phim giảm 17%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25%, hàng thủy sản giảm 19,3%, hàng dệt may giảm 7,17%....

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, việc nước Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may, gạo…

Do đó, để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng được thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có.

Địa phương, doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển bền vững là tăng tỷ trọng rau quả chế biến lên cao hơn nữa. Điều này không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.

Đông Nghi