Ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị đã đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của ngành, qua đó cho thấy ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của toàn ngành với nhiều kết quả nổi bật.
Hạ tầng viễn thông và hạ tầng số chuyển mình mạnh mẽ
Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, trong khi các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Song song đó, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành phố.
Đây là nỗ lực của ngành TT&TT trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông, đặc biệt phải kể đến chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến.
Việt Nam có tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Hiện tại, ngành TT&TT đang hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.
Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình triển đổi số.
Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy mọi người dân đều có cơ hội sử dụng internet, tiếp cận không gian số.
Tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới Ipv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại Asean và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.
Chuyển đổi số quốc gia không để ai bị bỏ lại phía sau
Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc.
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP ước thực hiện đạt 16,5%, tăng 2,24% so với 14,26% năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số 19% cao nhất trong khu vực ASEAN. Hạ tầng số được phát triển đồng bộ phục vụ chuyển đổi số quốc gia và dẫn dắt phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tiến tới phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến vượt bậc
Năm 2023 là năm đồng hành đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 7% so với năm 2022. Doanh thu của các khu CNTT tập trung hàng năm vào khoảng 14,34 triệu USD/1ha, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.
Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ đô với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%.
Phát triển công nghiệp công nghệ số, đưa công nghệ Make in Viet Nam vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Người dân được bảo vệ trên không gian mạng
Việt Nam đã giành nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế về an toàn thông tin. Số lượng địa chỉ IP trong năm 2023 của Việt Nam nằm trong mạng Botnet tiếp tục giảm liên tục trong 05 năm qua (giảm gần 70% kể từ năm 2018).
Đây cũng là năm đánh dấu sự đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng.
Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo. Bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến. Qua đó, khẳng định vai trò của an toàn, an ninh mạng là không thể tách rời trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều điểm nhấn toàn diện về báo chí, truyền thông
Công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên; góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.
Thay đổi tư duy, nhận thức về công tác truyền thông chính sách nhằm chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến báo chí và người dân.
Thúc đẩy văn hóa đọc
Quy mô thị trường sách nói đạt 102 tỷ, tăng hơn 2 lần so với 2022. Tỷ lệ sách xuất bản điện tử 4.600 đầu sách điện tử (tăng 31% so với năm 2022). Có khoảng 100 triệu lượt đọc chuyên mục giới thiệu sách và thúc đẩy văn hoá đọc trên 8 Báo điện tử hàng đầu.
Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử ước đạt 40,3%, vượt 20% so với kế hoạch; số tựa sách điện tử xuất bản trong năm ước đạt 4.600, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%)./.