Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm tăng vọt

Trong tháng 4, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,8 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành từ đầu năm đến nay đạt gần 18 tỷ USD (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái), theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cung cấp.

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước trên 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021, giảm 2,6% so với tháng 3/2022; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính khoảng 1,9 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,6 tỷ USD, thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 29,7 triệu USD,…

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%, trong đó, tăng mạnh nhất là phân bón với giá trị xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 4 tháng đầu năm, có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); cao su đạt khoảng 869 triệu USD (tăng 10,9%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD (tăng 29,5%), cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%), tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 4,5%); mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD (tăng 22,7%). 

Về thị trường XK, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 41,0% thị phần, châu Mỹ 29,7%, châu Âu 12,8%, châu Phi 1,8%, châu Đại Dương 1,7%.

nongsanekdw-16516357429841918171081-1651639637.jpg
Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm tăng vọt. Ảnh minh họa.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt với kim ngạch đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 7,1%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,0% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản). Vị trí thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 822 triệu USD (chiếm 4,6%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,9% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản).

Trong tháng 5, Bộ NN&PTNT tiếp tục cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản. Xây dựng kế hoạch khảo sát tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, các cửa khẩu biên giới. Hỗ trợ các địa phương, ngành hàng tổ chức các sự kiện quảng bá nông sản (vải thiều, nhuyễn thể, sắn,…), kêu gọi đầu tư. 

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 4/2022 tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân tại các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc trồng rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,6 triệu m3, tăng 5,9%. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá trong thả nuôi mới và thu hoạch sản phẩm. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.
Anh Vân (t/h)