Vì sao siêu dự án chống ngập TP.HCM của Trung Nam Group vẫn “mắc kẹt” sau 7 năm?

Dự án chống ngập cho TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam Group làm chủ đầu tư, sau 7 năm vẫn còn nhiều vướng mắc.
a1-1697428696.jpg
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM thi công gần về đích, song vướng mắc về phụ lục hợp đồng chưa được giải quyết.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM có tất cả 9 hạng mục, trong đó có 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40 - 160 m; Xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/s, một trạm bơm 24 m3/s tại cống Tân Thuận, một trạm bơm 18 m3/s tại cống Phú Định; Xây dựng 7,8 km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu.

Dự án này khởi công tháng 6/2016 liên quan các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40 – 160 m gồm Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8 km, đặt mục tiêu hoàn thành dịp 30/4/2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch).

anh-du-an-chong-ngap-1697428889.jpg
“Siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng của Trung Nam Group phải ngưng thi công nhiều lần.

Dự án được khởi công giữa năm 2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên dự án đã phải tạm dừng thi công do khó khăn về vốn.

Cụ thể, lần một phải dừng thi công từ ngày 27/4/2018 đến 12/2/2019, lần hai từ ngày 30/8/2019 đến 27/4/2020, lần ba từ ngày 15/11/2020 đến 6/2/2022. Việc dự án phải tạm dừng và kéo dài do hết hạn hợp đồng BT, hết thời gian giải ngân tái cấp vốn đã gây thiệt hại rất nhiều cho nhà đầu tư và các nhà thầu tham gia.

Sau nhiều lần trì hoãn, lãnh đạo TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam đã có nhiều buổi làm việc nhằm đưa ra ý kiến, hướng giải quyết tháo gỡ vướng mắc khó khăn. Được biết, vừa qua Tập đoàn Trung Nam đã cho thi công trở lại ở công trường cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Đây là cống lớn nhất trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án Theo Trung Nam Group, Khoảng tháng 2/2024, dự án sẽ hoàn thành và vận hành thử nghiệm và đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho TP.HCM.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.

Với những khó khăn, thử thách đối với dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu”, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng hai cơ chế gỡ vướng liên quan đến thanh quyết toán của dự án.

Cơ chế 1: cho TP.HCM được thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng công việc đã hoàn thành đồng thời bằng quỹ đất và bằng tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận. Đối với phần thanh toán bằng tiền, TP.HCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn BIDV chưa thu nợ ngay mà tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thi công hoàn thiện dự án. TP.HCM và nhà đầu tư sẽ tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng thỏa thuận hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT đã ký kết.

Cơ chế 2: cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nhận ủy thác cho vay, để tiếp tục thi công dự án từ nguồn ngân sách thành phố. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ ủy thác ngân sách thành phố khoảng 1.800 tỉ đồng cho HFIC để cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình. UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế 2 vì có nhiều thuận lợi hơn trong việc thanh quyết toán dự án.

ket-qua-kinh-doanh-cua-trungnam-group-1697429644.jpg
"Bức tranh" kinh doanh của Trung Nam Group trong những năm qua.

Được biết, để có tiền thực hiện các dự án, Trung Nam Group và các công ty thành viên đã phát hành hàng nghìn tỷ trái phiếu. Cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của  Trungnam Group là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ (68.110 tỷ đồng). Tổng tài sản tại vào cuối năm 2022 đạt hơn 96.000 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong năm vừa rồi, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.

Quốc Cường