Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng rộng mở không gian đón làn sóng đầu tư Xanh

Nhằm tạo lập không gian rộng lớn mới cho phát triển nhanh và bền vững, những đề xuất trên cơ sở luận cứ từ thực tiễn phát triển của Hải Phòng thể hiện sự chủ động, sẵn sàng tâm thế để đón “làn sóng” chuyển dịch đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ toàn cầu. Khu kinh tế phía Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng để Hải Phòng hiện thực hóa các mục tiêu theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
1-phoi-canh-khu-kinh-te-phia-nam-1-1726538505.jpg
Phối cảnh quy hoạch Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu

Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng cho biết, thành phố Hải Phòng vừa hoàn thành đề án trình Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập KKT ven biển phía nam Hải Phòng, sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng nước sâu Nam Đồ Sơn và Khu thương mại tự do.

Điều đặc biệt là KKT ven biển Nam Hải Phòng sẽ là KKT xanh đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu chủ yếu xây dựng theo xu hướng toàn cầu. KKT này sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng logistics hiện đại (cảng dời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp), khu thương mại tự do (1.200 ha). Trong đó, khu vực phát triển các KCN dự kiến có 6 khu, định hướng phát triển theo mô hình KCN xanh, sinh thái (tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên), nhằm tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị và cung ứng của khu vực và thế giới.

Đây là KKT có quy mô lớn với diện tích khoảng 20 nghìn ha. KKT này bám theo tuyến đường cao tốc ven biển nhằm phát huy tối đa tính liên kết vùng gồm khu vực sông Văn Úc, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng là khu vực cửa ngõ phía Nam của thành phố Hải Phòng, tích hợp đủ 5 loại hình giao thông quan trọng…

2-to-hop-deep-c-trong-kkt-dinh-vu-1-1726538567.jpg
Tổ hợp KCN DEEP C nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.

Theo ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng: Mô hình KKT xanh không xa lạ với thế giới, tuy nhiên trong nước thì không phải địa phương nào cũng dám nghĩ đến. Năm 1993, Hải Phòng đã tiên phong ở Miền Bắc với Khu công nghiệp Nomura. Năm 2008, Hải Phòng một lần nữa tiên phong khi thành lập KKT Đình Vũ – Cát Hải với diện tích 22 nghìn ha. Cho đến nay, KKT này đã lấp đầy 80% và được đánh giá là làm thay đổi vượt bậc về phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng.

Ông Bùi Ngọc Hải cũng cho biết, từ thành công của mô hình KKT Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng đã xác định một trong những định hướng phát triển chính trong giai đoạn tới là thành lập, xây dựng một KKT mới làm cơ sở để tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong khu vực.

Chính sự nhanh nhạy, chủ động, điều chỉnh kịp thời ranh giới KKT là tiền đề, “cú hích” quan trọng để Hải Phòng thu hút được những dự án “khủng” từ Hàn Quốc, như của Tập đoàn LG. Đến nay, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng. Sự điều chỉnh quy hoạch cũng là cơ sở để triển khai KCN, khu phi thuế quan và dịch vụ Xuân Cầu với diện tích hơn 700 ha, tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, được xem có ưu thế đặc biệt nổi trội để thu hút đầu tư.

Với động lực phát triển lớn từ KKT, Hải Phòng luôn duy trì vị trí trong nhóm đầu của cả nước thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; quá trình thu hút đầu tư có bước tiến mạnh cả về số lượng vốn và chất lượng, hiệu quả dự án. Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố luôn giữ mức cao, hơn 2 con số, đứng tốp đầu của cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.

Từ thành công của KKT Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo, chủ động đề xuất Trung ương thành lập KKT ven biển phía Nam. Thành phố đang chạy đua cùng thời gian để sớm hình thành KKT thứ hai này, mở rộng dư địa phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng và phát triển Hải Phòng và cả Vùng đồng bằng sông Hồng theo các Nghị quyết của Đảng.

Khu công nghiệp thế hệ mới tạo lợi thế cho Hải Phòng bứt tốc

Tại Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 15, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, động lực tăng trưởng chính của thành phố là KKT Đình Vũ – Cát Hải, nhưng hiện nay tỷ lệ lấp đầy gần 80%. Do đó, ngay tại thời điểm này, nhiệm vụ rất cấp thiết và cần thiết là phải khai thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho tương lai phát triển của thành phố trong 10, 15, 20 năm tới. Với tinh thần quyết liệt, nỗ lực cao nhất, tăng tốc, thành phố gấp rút hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế thành phố Hải Phòng Lê Trung Kiên phân tích thêm: 3 năm nay, thành phố chưa có thêm khu công nghiệp mới hình thành. Việc sớm xây dựng KKT ven biển phía Nam là rất cần thiết để “chạy đua” đón “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về Hải Phòng.

Bên cạnh đó, từ thành công của KKT Đình Vũ Cát Hải, cũng đặt ra không ít yêu cầu, đòi hỏi mới trước những thách thức trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, thích ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Để tập trung thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, phát triển bền vững đòi hỏi mô hình KKT thế hệ mới (3.0) cùng với những chính sách mở cửa cao nhất.

3-nha-may-vinfas-1-1726538608.jpg
Nhà máy ô tô VinFast thuộc Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải là biểu tượng phát triển công nghiệp của Hải Phòng và cả nước.

Với vị trí chiến lược, cửa ngõ ra biển của miền Bắc, Hải Phòng nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), thuộc hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình), giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Xây dựng KKT ven biển phía Nam không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện, nhất là tuyến đường cao tốc ven biển.

Phát triển KKT ven biển phía Nam là một trong những giải pháp chủ yếu giúp Hải Phòng thực hiện thành công các định hướng, nhiệm vụ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng KKT ven biển phía Nam là một bước xoay chuyển để tạo nên những động lực mới, sức bật mới cho Hải Phòng đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo diện mạo mới cho phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng.

Điều khác biệt là KKT ven biển Nam Hải Phòng sẽ khắc phục được các nhược điểm liên quan đến các chính sách phát triển các KCN, KKT, chính sách thuế, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào KKT là cơ chế thu hút đầu tư tốt nhất hiện nay. KKT ven biển phía Nam có dư địa tốt, có khả năng phát triển thành tổ hợp công nghiệp, sân bay, cảng logistics.

Ông Bruno Johan O. Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C cho rằng, việc phát triển KKT ven biển phía Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho Hải Phòng phát triển. Nếu phát triển thành công dự án KKT ven biển phía Nam, thì Hải Phòng sẽ trở thành địa phương lý tưởng để thu hút đầu tư, thu hút nhân tài và hội tụ mọi người dân đến đây sinh sống./.

Bình Nguyên