Ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất nông nghiệp xanh

Ngành nông nghiệp đang khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, quản lý và tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước chuyển đổi số góp phần phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng hiện đại
may-bay-nong-nghie-1696126130.jpg
Mô hình máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc tại một số cánh đồng

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được chứng nhận 77 mã số vùng trồng xuất khẩu. Toàn tỉnh xây dựng khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng rau, mía, cây ăn quả. Trong đó có 80 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và có nhiều sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.

Nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp đến nay đã xã sử dụng mã QR giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nông sản bằng điện thoại thông minh.

he-thong-tuoi-nho-giot-tien-nong-2-1696126335.jpg
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt israel giúp người dân tiết kiệm công sức và nguồn nước

Tại vùng trồng mía nguyên liệu Lam Sơn huyện Thọ Xuân với 7.500 ha, nhờ ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất từ đó nâng cao năng suất, chất lượng quản lý vùng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí. Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao mía đường Lam Sơn là đơn vị tiên phong ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý vùng nguyên liệu.

Theo đó, toàn bộ thông tin diện tích mía nguyên liệu được tích hợp trên máy tính và điện thoại thông minh, từ đó giúp các kỹ sư của công ty quản lý, theo dõi hàng ngày sự phát triển của cây mía, sâu bệnh phát sinh và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến cây mía. Qua đó, các kỹ sư đưa ra dự báo để người dân kịp thời phòng, chống bệnh dịch và chăm sóc mía.

Trong khâu thu hoạch và vận chuyển mía nguyên liệu vào nhà máy, công ty cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc trên vùng nguyên liệu. Nhằm tối ưu hóa công nghệ trong sản xuất mía nguyên liệu, năm 2022 đã phối hợp với tổ chức Chính phủ AUS4INNOVATION thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, các đơn vị liên quan tại Việt Nam tổ chức chuyển giao công nghệ mắt thông minh (Smart Eye).

Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Định Liên, huyện Yên Định đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đại Thành cung cấp dịch vụ máy cấy gắn chíp điện tử, máy bay gieo sạ, rải phân, phun thuốc trừ sâu không người lái phục vụ sản xuất cho hơn 20 ha lúa. Trong vụ mùa thu này, Công ty Đại Thành cũng đã ký kết với hơn 20 hợp tác xã thực hiện gieo hạt giống rải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ khi cấy đến khi thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, việc sử dụng các thiết bị thông minh trong sản xuất lúa giúp giảm 30% thất thoát lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 40% chi phí so với thuê nhân công lao động, giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường.

Tại một số huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã phối hợp với các công ty công nghệ trình diễn điều khiển thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Máy bay được điều khiển từ xa bằng thiết bị cầm tay riêng biệt hoặc có thể kết nối vào điện thoại, máy tính bảng để điều khiển. Thiết bị bay phun thuốc có thời gian bay liên tục từ 15 - 25 phút, mang được 10 lít thuốc bảo vệ thực vật trong một lần cất cánh, hiệu suất làm việc cao gấp 20 lần so với phun thủ công, tiết kiệm 30% lượng thuốc và 90% lượng nước sử dụng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân.

Thực tế, tại các nước tiên tiến trên thế giới, những thiết bị này đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần so với làm thủ công, tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Nhằm khuyến khích cho người sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện bản đồ nông hóa giai đoạn 1 cho 9 huyện với tổng diện tích được xác lập trên 102.800 ha đất nông nghiệp. Qua đó, số hóa các thông tin đất đai, thổ nhưỡng để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân thuận lợi tra cứu, tìm hiểu. Trong tiêu thụ sản phẩm, hàng năm ngành Nông nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tập huấn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

Hà Khải