Ngân hàng ưu tiên vốn cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay với các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
mo-hinh-nong-nghiep-thong-minh-1693986330.jpg
Ngân hàng ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh miinh họa

Tại hội thảo “Tài chính xanh và Thị trường tín chỉ carbon” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tại TP HCM, ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho biết, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Theo đó, từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. 

Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng.

Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Tính đến 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn.

Từ nguồn vốn trên, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của Việt Nam. Cụ thể là nhà kính điều khiển khí hậu (công nghệ Pháp), canh tác nhiều tầng (công nghệ Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (công nghệ Israel)... Các mô hình sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian tới, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Đồng thời, nhiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường. 

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn.

Hương Lan