Ngay sau khi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Sơn thông qua, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Kế hoạch số 141/HK-UBND ngày 1116/9/2021 về Thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/HU ngày 14/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2030.
Những năm qua, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp, gắn liền với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội cho nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
Yên Sơn là địa phương có diện tích rừng lớn với trên 74.512,37 ha. Trong đó: Rừng tự nhiên 18.660,09 ha; Rừng trồng 55.852,28 ha (Diện tích rừng trồng đã thành rừng: 46.295,6 ha và diện tích rừng trồng chưa thành rừng: 9.556,68ha). Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ là 64.955,69ha, tỷ lệ che phủ là 60,83 %.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: “Thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Sơn lần thứ XXIII, về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển lâm nghiệp và bảo vệ rừng nhiệm kỳ 2020 – 2025. Huyện đã tập chung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp trong đó có định hướng phát triển cây lâm nghiệp cho bà con nhân dân để phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo và tăng tỉ lệ che phủ rừng từ đó giúp giữ đất và chống xói mòn, làm giảm nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão bảo đảm an toàn cho bà con nhân dân. Hai là định hướng đến đến 2030 tập trung phát triển kinh tế xã hội liên kết chăn nuôi đảm bảo đời sống nhân dân có thu nhập ổn định, đến thời điểm hiện tại là diện tích rừng che phủ trên 60 %”.
Vừa qua UBND huyện Yên Sơn phối hợp Công ty CP Woodsland Tuyên Quang lựa chọn xây dựng 01 sản phẩm đồ gỗ của huyện Yên Sơn được công nhận “Thương hiệu quốc gia Việt Nam” đồng thời thực hiện nghị quyết 03 UBND tỉnh hỗ trợ cây giống cho bà con nhân dân trong tỉnh.
Tại xã Công Đa, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nhu (thôn Đồng Giang) cho biết: Gia đình đang trồng 4 loại keo, keo lá tràm, keo hạt tai tượng, và keo mô, riêng keo mô có 2 loại, tất cả đều cho sinh trưởng phát triển ổn định, đặc biệt là keo mô, riêng loại keo này cho sinh trưởng phát triển rất tốt. Hiện nay, gia đình tôi đã có hơn 4ha keo mô, 4ha keo lá tràm, 4ha keo tai tượng trong tổng số diện tích rừng của gia đình là 25 ha.
Xã Công Đa (huyện Yên Sơn) là một xã có diện tích trồng rừng cực kỳ lớn, xã đang thực hiện tốt chương trình dự án theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh năm 2021 đã được cán bộ Kiểm lâm triển khai đến bà con trong năm 2024 với diện tịch trồng là hơn 160ha bà con lựa chọn chủ yếu là giống keo lai mô.
Đây là một trong những cây sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với mọi loại đất, gần như không bị sâu bệnh, đặc biệt là đem lại sản lượng cao cho bà con, nếu để từ 7- 10 năm tuổi mới thu hoạch thì đây là loại cây cho thu nhập cao hơn hẳn so với các giống cây còn lại giống cũ của bà con nhân dân trong xã. Do vậy mà bà con lựa chọn giống cây này trồng rất là nhiều qua đó công tác bảo vệ rừng kết hợp với phát triển kinh tế địa phương trong nhưng năm qua rất ổn định bà Dương Thị Vân Anh cán bộ Kiểm lâm cơ sở địa bàn xã Công Đa cho biết.
Theo ông Lương Công Trình - Chủ tịch UBND xã Công Đa chia sẻ: Kinh tế của xã phần lớn là nông lâm nghiệp. Bởi vậy, xã đang cho triển khai mạnh mẽ đề án theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh năm 2021 cũng như thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện Yên Sơn về việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế. Keo mô giống mới nên nhiều gia đình còn chưa nắm được hiệu quả kinh tế của giống keo này mang lại, chính vì thế vẫn còn số ít hộ vẫn tự mua cây giống để trồng nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn bà con về tính hiệu quả của cây keo giống mới này để toàn xã 100% các hộ tham gia trồng. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế của xã trong năm cùng với đó là thực hiện tốt chỉ đạo của lãnh đạo huyện trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên xã vẫn còn một số hạn chế nhất định do trình độ của người dân còn yếu, cộng với hạ tầng giao thông đi lại tốt hơn trước đây rất nhiều rồi nhưng là xã xa trung tâm. Vì vậy trong thời gian tới kính mong lãnh đạo huyện quan tâm xã Công Đa hơn nữa để xã có điều kiện phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình.
Qua gần 4 năm ngành Lâm nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn huyện đã trồng được trên 13.161,06ha rừng tập trung; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 22.000 ha; công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; cơ cấu 03 loại rừng được quy hoạch, điều chỉnh, duy trì hợp lý; ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp phù hợp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, một số cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến có quy mô, năng lực sản xuất lớn, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Lê Quang Toàn cho biết thêm: "Hiện nay, toàn huyện có diện tích trồng rừng tập trung là 13.161,06 ha/15.300 ha, đạt 86,2 % kế hoạch. Khai thác gỗ rừng trồng 1.244.431,73 m3/1.781.800 m3 gỗ, đạt 69,8 % kế hoạch, ước hết năm 2024 khai thác 1.402.189,63 m3, đạt 78,6 %. Năng suất rừng trồng bình quân 18,9 m3/ha/năm, đạt 90 % kế hoạch. Về phát triển diện tích rừng gỗ lớn: Diện tích 22.045,79 ha/ 23.514,1 ha, đạt 93,7 % kế hoạch. Ngoài ra cấp Chứng chỉ rừng FSC với diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 22.462,54 ha/ 50.067,5 ha, đạt 44,8 %... Giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha rừng trồng gỗ nguyên liệu ước tính giá trị thu được từ rừng đạt khoảng 132,4 triệu đồng/ha/chu kỳ, đạt 82,7 % kế hoạch đề ra.
Và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong phát triển lâm nghiệp cho cán bộ, công chức và Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Uỷ ban nhân dân cấp xã rà soát, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâm nghiệp; kiểm tra, đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng đất; quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách về lâm nghiệp, các Đề án, dự án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để điều phối, bố trí nguồn vốn, đồng thời tranh thủ, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư vào lâm nghiệp nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp của địa phương, tạo nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đẩy mạnh công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp; di dân ra khỏi vùng lõi các khu rừng đặc dụng; đổi mới cơ chế, chính sách hưởng lợi từ rừng, khai thác, phát triển hợp lý lâm sản ngoài gỗ, tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực sự tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng. Hỗ trợ kinh phí rà soát xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn và nâng mức hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng./.