Kiểm lâm Tuyên Quang phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng

Trong 9 tháng đầu năm, Kiểm lâm Tuyên Quang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các chính sách mới được triển khai đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong trong việc phòng chống, chặt phá rừng và bảo vệ rừng. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng nhằm nâng cao vị trí vai trò của ngành Kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
cong-ty-tnhh-lam-nghiep-son-duong-rung-fsc5-31072024213002-725-1729325270.jpg
Những cánh rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC

Những kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm của ngành Kiểm lâm

Tuyên Quang là tỉnh thuộc vùng trung du - miền núi phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 165 km. Tuyên Quang có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng, có khoảng 448.680ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước. Hàng năm tỉnh thực hiện khai thác và trồng mới hơn 10.000ha rừng; tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 900.000m3.

Đến nay tỉnh đã có trên 35.800ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (cao nhất cả nước); giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha rừng khoảng trên 116 triệu đồng/chu kỳ 7 năm. Tuyên Quang phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lâm nghiệp của địa phương ngoài ra còn quan tâm đến các giá trị về phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học với các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm; giữ gìn các giá trị lịch sử đi đôi với khai thác tiềm năng du lịch.

Trong những năm qua công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các huyện, xã thị trấn.

Nhờ sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực của toàn dân trong việc bảo vệ rừng, đặc biệt trực tiếp lực lượng nòng cốt chính là Kiểm lâm Tuyên Quang nên thời gian qua các nhiệm vụ đề ra trong công tác bảo vệ rừng luôn đạt kết quả tốt. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã trồng 11.603,28 ha/10.500 ha, đạt 110,5% kế hoạch năm 2024 ; khai thác rừng trồng 8.673,69 ha/10.000 ha, sản lượng khai thác 990.819 m3/1.200.000 m3, đạt 82,5 % kế hoạch; khai thác tre, nứa 25.381,6 tấn/30.000 tấn, đạt 84,6 % kế hoạch.

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh kiểm tra, phát hiện, xử lý 83 vụ vi phạm (trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ, xử lý hình sự 15 vụ), so với 9 tháng đầu năm 2023 số vụ vi phạm xử lý là 132 vụ, giảm 49 vụ, tỷ lệ giảm 37,12 %; thu nộp ngân sách 400.378.650 đồng (trong đó: Tiền xử phạt VPHC 254.750.000 đồng; tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu 99.128.650 đồng; tiền đôn đốc thi hành Quyết định xử phạt VPHC 46.500.000 đồng). Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng cơ bản được kiểm soát, diện tích rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. 

Để đạt được những thành quả đó, Kiểm lâm Tuyên Quang đã nỗ lực xây dựng và phát triển toàn diện, bộ máy tổ chức được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm lâm không ngừng được nâng cao. Tăng cường phát huy vai trò Kiểm lâm cơ sở với phương châm sát dân bám rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương phát huy vai trò Kiểm lâm cơ sở.

Trong những năm qua, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và người dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, trồng và phát triển rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm, diện tích rừng cũng dần tăng lên. Công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Sơn Dương luôn được chú trọng, thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, truy quét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

z5943272871012-35ec79050f8a82a696baf1cây4faefe66eb-1729325438.jpg
Cán bộ Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Sơn Dương hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc keo.

Trong đó, vai trò của kiểm lâm địa bàn trong việc kết nối chính quyền và người dân được đánh giá là điểm mấu chốt cho thành công của công tác quản lý, bảo vệ rừng. Anh La Văn Thuận ở Thôn Đồng Na ở xã Đại Phú (Sơn Dương) chia sẻ chúng tôi ở đây có hơn 60 hộ dân nhà ai cũng trồng rừng, gia đình tôi có hơn 5ha luôn được cán bộ kiểm lâm hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trước kia tôi làm không đủ ăn, từ khi được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho trồng rừng bán gỗ, nay gia đình tôi kinh tế khá hơn, không còn phải vay ăn như trước nữa, gia đình nuôi được con đi học ở Hà Nội.

z5944318323135-107709dde291748e6d3bb18fa8695519-1729325478.jpg
Ông Nguyễn Tiến Long - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Sơn Dương trao đổi với Phóng viên.

Trao đổi với phóng viên Tạp Chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, được ủy quyền của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương, ông Nguyễn Tiến Long - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Sơn Dương chia sẻ: Chúng tôi xác định công tác bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt từ cấp ủy Đảng lãnh đạo chủ chốt đến từng thành viên cán bộ trong cơ quan luôn thực hiện tốt các chỉ đạo lãnh đạo cấp trên. Bám sát cơ sở vận dụng linh hoạt và đưa các chủ trương chính sách của trung ương và của tỉnh đến với người dân, để nhân dân được hưởng những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước cũng như các chỉ thị nghị quyết của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bên cạnh đó chúng tôi luôn tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện công tác phát triển Lâm nghiệp bền vững và chứng chỉ FSC.

z5943270825643-931a0d7e6911764ffb87fabe04f8d527-1729325529.jpg
Lãnh đạo cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Dương kiểm tra giám sát địa bàn

Hiện nay toàn huyện Sơn Dương có khoảng từ 8.000 đến 9.000 chứng chỉ FSC, tiếp tục tới tháng1 năm 2025 số lượng tăng thêm 7000 chứng chỉ. Chứng chỉ FSC là một tiêu chuẩn tự nguyện, được hội đồng quản lý rừng( FSC) nhằm mục đích quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu, chứng chỉ này đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn và môi trường, xã hội và kinh tế.

z5943253077034-034fa02ac9f727c697d80605e6e62807-1729325644.jpg
Cán bộ Kiểm lâm cơ sở liên tục hướng dẫn tuyên truyền để người dân hiểu Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và vai trò của rừng đối với đời sống xã hội.

Vừa qua Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương phối hợp với chính quyền địa phương các xã Hợp Thành, Phúc Ứng và xã Vĩnh Lợi bàn giao 63.000 cây keo mô cho 25 hộ theo Nghị quyết 03 Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc bàn giao cây giống trên địa bàn các xã diễn ra thuận lợi, cây giống bàn giao đủ số lượng cho các đơn vị, tổ chức đăng ký, kích thước cây đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định. Để đảm bảo chất lượng cây giống khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng cho người dân.

z5943255171420-f1f917d5798a6606b9ef3c023cf72751-1729325601.jpg
Cán bộ Kiểm Lâm và nhân dân cùng đi tuần tra bảo vệ rừng.

Kiểm lâm viên là một trong những người giữ rừng thầm lặng, ngày ngày mải miết với công việc tuần tra, giám sát, tuyên truyền vận động bà con nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, chịu khó làm ăn tăng gia sản xuất tạo thu nhập và nâng cao đời sống, thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cây keo, cây bạch đàn… xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ đó gắn liền công tác bảo vệ, giữ đất, giữ rừng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà tất cả nhân dân cùng tham gia thực hiện. Những quyết tâm, lòng say nghề và sự nhiệt huyết của các Kiểm lâm viên cơ sở chính là cầu nối trong công tác bảo vệ rừng và phát triển bền vững của địa phương./.

Xuân Hiếu - Kim Chung