Tuyên Quang: Từng bước Phát triển lâm nghiệp bền vững

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới" là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030
tuyen-quang-phan-dau-la-dien-hinh-ve-phat-trien-kinh-te-lam-nghiep-1664693758.jpg
Chăm sóc rừng keo ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang Ảnh TQ Online

Những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp, đi liền với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, chăm lo các lĩnh vực văn hóa xã hội cho nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn tỉnh đã trồng được trên 55.400 ha rừng tập trung, hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng duy trì ổn định trên 132.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn hơn 69.860 ha; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 35.800 ha; công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; cơ cấu 03 loại rừng được quy hoạch, điều chỉnh, duy trì hợp lý; ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp phù hợp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, một số cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến có quy mô, năng lực sản xuất lớn, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; hoàn thành phương án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của 05 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý…

Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng khá, tăng bình quân 7,5%/năm, chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tỷ lệ che phủ rừng duy trì trên 65% (trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 61%), là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ cao nhất cả nước; nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nhất là về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng bền vững của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; không ngừng phát triển sản xuất, đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng được cải thiện…

Tuy nhiên, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Để kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững, Nghị quyết 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể và các giải pháp chủ yếu thực hiện:

Giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm; trồng rừng tập trung đạt 48.500 ha, bình quân trồng trên 9.700 ha/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; năng suất rừng trồng đạt bình quân 22 m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5.500.000 m3; bình quân khai thác trên 1.100.000 m3/năm; phát triển cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha, bình quân trồng trên 400 ha/năm; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo quy định trên 90.000 ha rừng sản xuất; giá trị thu được từ gỗ nguyên liệu rừng trồng sản xuất 01 ha/chu kỳ, đến năm 2025: Đối với rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 07 năm) đạt trên 160 triệu đồng. Đối với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 310 triệu đồng; quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo tồn chặt chẽ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, làm giàu rừng; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; đến năm 2025: có ít nhất 01 sản phẩm đồ gỗ được công nhận "Thương hiệu quốc gia Việt Nam"; hoàn thành xây dựng ít nhất 05 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng; khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp phát huy hiệu quả kinh tế; hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh trước năm 2025; đến năm 2025, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.

Giai đoạn 2026-2030: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 11%/năm; trồng rừng tập trung đạt 48.500 ha, bình quân trồng 9.700 ha/năm; duy trì diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; năng suất gỗ rừng trồng đạt bình quân 28 m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt 6.500.000 m3, bình quân khai thác trên 1.300.000 m3/năm; duy trì và phát triển trên 3.500 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; mở rộng, duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 100.000 ha rừng sản xuất; giá trị thu được từ gỗ nguyên liệu rừng trồng sản xuất 01 ha/chu kỳ, đến năm 2030: Đối với rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt trên 190 triệu đồng. Đối với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 350 triệu đồng; quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; xây dựng mới 05 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng tạo sản phẩm ấn tượng thúc đẩy phát triển du lịch, khuyến khích phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp phát huy hiệu quả kinh tế; duy trì, phát triển và giữ vững vị trí là tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.

Các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới: Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, quản lý về bảo vệ và phát triển rừng bền vững: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến với phương thức, nội dung phù hợp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển lâm nghiệp bền vững, trọng tâm là Luật Lâm nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản có liên quan của Trung ương, của tỉnh để nâng cao hơn nữa nhận thức về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả kinh tế, xã hội và trách nhiệm trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, chủ rừng, hộ gia đình và toàn thể Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải phápvề phát triển lâm nghiệp bền vững.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác phát triển lâm nghiệp; Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung, phát triển lâm nghiệp bền vững nói riêng. Tăng cường giám sát việc thực hiện quản lý Nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các cấp, các chủ rừng và các ngành chức năng liên quan; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp, đảm bảo sự điều hành thống nhất, chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả của các cấp chính quyền, phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quản lý, bảo về và phát triển rừng.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn, xây dựng kế hoạch phù hợp, phân công tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng, nòng cốt là Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong thực thi nhiệm vụ đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chịu trách nhiệm theo quy định nếu để xảy ra vi phạm hoặc không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.

Ba là, quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên: Tập trung thực hiện quản lý rừng theo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý, sử dụng, phát huy dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ hệ sinh thái gắn với phát triển kinh tế hợp lý, bền vững, trọng tâm là phát triển du lịch; duy trì, củng cố, mở rộng diện tích rừng đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; phát huy có hiệu quả Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...Phát triển mô hình quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế bền vững thông qua các dịch vụ như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khai thác hiệu quả giá trị dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.

Chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng và chủ rừng về công tác phòng, chống cháy rừng; ứng dụng công nghệ tiên tiến để dự báo, phòng, chống cháy rừng, theo dõi, giám sát, đánh giá tài nguyên rừng... Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê môi trường rừng, gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư, phát triển quản lý rừng cộng đồng để người dân hưởng lợi từ rừng, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Bốn là, chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân: Tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật lâm nghiệp để người dân làm nghề rừng và những người dân sống gần rừng có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn. Đến năm 2025 bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp được giao đến những chủ rừng, đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Năm là, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp

Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong chọn, tạo giống cây lâm nghiệp chất lượng tốt; xác định bộ giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng, hợp lý, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương trong tỉnh để sử dụng trồng rừng đảm bảo năng suất, chất lượng cao, ổn định, lâu dài. Xây dựng, củng cố hệ thống vườn ươm, cơ sở sản xuất cây giống, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học trong sản xuất cây giống nhằm sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao để trồng rừng, từng bước xây dựng, hình thành trung tâm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quảng bá, áp dụng truy xuất nguồn gốc để phát triển thị trường cho các sản phẩm lâm nghiệp; lựa chọn sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao để xây dựng thành sản phẩm được công nhận "Thương hiệu quốc gia Việt Nam”.

Tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây lâm nghiệp và các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đáp ứng tiêu chuẩn rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên đơn vị canh tác đất lâm nghiệp. Tiếp nhận, chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp, nhất là trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, mở rộng trồng rừng tập trung bằng giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, bền vững. Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản đồng bộ giữa sản xuất và vùng nguyên liệu, gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy và người trồng rừng, đảm bảo hài hòa về lợi ích.

Khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ người trồng rừng, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị phát triển lâm nghiệp bền vững; khuyến khích, hỗ trợ chủ rừng và doanh nghiệp liên kết, hợp tác mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho rừng sản xuất. Thu hút doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm tham gia chuỗi sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, từ khâu sản xuất giống, trồng, chăm sóc và xây dựng nhà máy chế biến gỗ, viên nén cao cấp với dây chuyền công nghệ hiện đại, chế biến đa dạng các sản phẩm từ gỗ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng các mô hình bảo vệ rừng gắn với dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái rừng, du lịch homestay...; gắn với quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên hiện có tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển các trang trại lâm nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp, mô hình sản xuất lâm nghiệp tổng hợp, khuyến khích các huyện, thành phố xây dựng các mô hình sản xuất lâm nghiệp tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế.

Sáu là, tổ chức quản lý, phát triển nguồn nhân lực: Củng cố, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức sản xuất, quản lý lâm nghiệp; duy trì và phát triển hình thức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sử dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực lâm nghiệp đến làm việc tại tỉnh; hoàn thiện chính sách đối với lao động bảo vệ rừng theo quy định.

Sắp xếp tổ chức lại bộ máy Kiểm lâm, hệ thống các Ban quản lý rừng đảm bảo phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, bổ sung biên chế, xây dựng lực lượng Kiểm lâm vững mạnh, gắn với trách nhiệm thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; cải thiện cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, đặc biệt ở các khu vực có rừng tự nhiên còn nhiều lâm sản quý, hiếm, nguy cơ xâm hại cao.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động làm nghề rừng, gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng thu hút lao động vào lĩnh vực sản xuất và chế biến lâm sản. Tăng cường năng lực cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng, vùng miền núi khu vực khó khăn của tỉnh.

Bảy là, về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực đầu tư: Thực hiện lồng ghép chính sách của Trung ương, chính sách của tỉnh để tập trung hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để trồng rừng; bổ sung chính sách hỗ trợ trồng rừng, làm giàu rừng, trồng rừng bằng các loài cây lâm nghiệp bản địa đa tác dụng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao từ gỗ, vừa nâng cao thu nhập từ sản phẩm hàng năm của cây rừng; có chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để sớm hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu...

Huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên cùng địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư phát triển lâm nghiệp; huy động các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững. Ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu văn hóa, lịch sử…, bảo đảm yêu cầu cảnh quan, bảo vệ môi trường và giá trị kinh tế. Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các-bon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững.

Hằng năm, cân đối ngân sách địa phương, bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách thường xuyên và nguồn vốn đầu tư của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; sự chung sức, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển lâm nghiệp, chắc chắn Tuyên Quang tiếp tục giữ vững vị trí là tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái mà mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, phấn đấu đưa Tuyên Quang "là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước"./.

Minh Hậu