Từ gạch, túi đến nghệ thuật sinh thái kỳ 1: 6 cách ứng dụng sáng tạo đối với chất thải nhựa trên thế giới

Từ những chiếc ghế đá trong trường học ở Ấn Độ đến những chiếc chậu trồng cây ở Peru, mọi người đang tìm kiếm những giải pháp táo bạo và khéo léo cho một vấn đề nhức nhối lâu năm.
1a1-1654824953.png
Chương trình cải cách châu Phi nỗ lực biến rác thải nhựa thành túi chống thấm nước ở Uganda.

Khi trời mưa ở Uganda, rác thải nhựa làm tắc nghẽn cống thoát nước trên đường phố. Đối với Faith Aweko, một người lớn lên trong khu ổ chuột ở Kampala, thủ đô Uganda, những trận mưa lớn khiến nước tràn ngập ngôi nhà của cô và gia đình.

"Vào mùa mưa, hầu hết các con đường ở Kampala đều chứa đầy chai và túi nhựa do người dân vứt bỏ trong rãnh và máng xối. Điều này gây khó khăn cho những người như tôi trong khu ổ chuột", Faith Aweko chia sẻ. Cùng với Shamim Naluyima và Rachel Mema, hai người phụ nữ mà cô gặp trong một khóa học về đổi mới xã hội, cô đã phát động Cải cách châu Phi vào năm 2018, biến chất thải nhựa thành túi chống thấm nước.

Một nhóm phụ nữ thu gom túi ni lông và chai nhựa trên những con phố và bãi rác. Chúng được rửa sạch, sấy khô và xử lý thành một vật liệu bền vững giống như da để làm thành ba lô, túi mua sắm và túi cá nhân. Trung bình họ làm được khoảng 20 túi mỗi ngày, được bán tại 06 cửa hàng trên khắp Uganda và trên trang web của Reform Africa, với giá từ $9 đến $25.

1a2-1654824953.png
Một nhóm phụ nữ thu gom nhựa phế thải, sau đó chúng được rửa sạch và sấy khô trước khi được xử lý thành một vật liệu giống như da bền vững.

Aweko cho biết, một số sản phẩm đã được mua bởi các tổ chức nhân đạo và các tổ chức phi chính phủ ở Uganda, "Ở các vùng nông thôn, mọi người không thể mua được một chiếc cặp sách đàng hoàng, vì vậy các bậc cha mẹ phải sử dụng túi ni lông. Nhưng khi những đứa trẻ đi học như vậy, túi sẽ bị rách hoặc sách vở sẽ bị mất".

Ban đầu, doanh số bán hàng bị giảm trong lệnh phong tỏa đại dịch của Uganda, nhưng những chiếc túi hiện đang được bày bán ở các nước tiên tiến như Hà Lan, Đức, Anh và Mỹ.

1a3-1654825276.png
Chất thải nhựa được biến thành ba lô, túi cá nhân và túi mua sắm như trong ảnh.

"Chúng tôi thực sự đã có thể tăng gấp đôi doanh số bán hàng của mình so với năm trước," Aweko nói. Cô hiện đang thành lập một nhà máy tái chế nhựa cứng thành các mặt hàng như chốt và chậu hoa. Ngoài ra, cô còn tổ chức và điều hành các chương trình giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường – điều quan trọng ở một quốc gia nơi chỉ có 1% rác thải được tái chế.

"Một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ"

Giữa giờ giải lao tại trường Mahim ở Mumbai, một nhóm trẻ em ăn đồ ăn nhẹ của mình trên băng ghế làm từ thùng carton Tetra Pak tái chế. Cậu học sinh Aayush Khurana, 12 tuổi, chia sẻ: "Chiếc ghế này khiến cháu vui vì nó được tái chế từ rác thải".

Mumbai thải ra hơn 6.900 tấn chất thải mỗi ngày và vào năm 2009, Monisha Narke đã bắt đầu chương trình RUR Green life (Bạn có cắt giảm, tái sử dụng và tái chế không? - Are You Reducing, Reusing and Recycling?) để đối phó với vấn đề này.

1a4-1654827301.png
Monisha Narke cầm các mảnh thùng carton vụn, sẽ được xử lý và biến thành băng ghế, bộ bàn ghế học.

Doanh nghiệp xã hội này tạo ra một số sản phẩm, nhưng thông qua chương trình "Thùng carton cho Trường học", họ hợp tác với Tetra Pak Ấn Độ để biến các hộp nhựa và hộp carton thành các băng ghế, bộ bàn ghế học. Những sản phẩm này có thể được mua trực tuyến và quyên góp cho các trường học tại địa phương. Tổ chức này cũng giáo dục trẻ em về việc cắt giảm sử dụng sản phẩm làm từ nhựa, đồng thời họ đã tái chế khoảng 8 triệu thùng carton và phân phối hơn 350 bộ bàn ghế học và 250 băng ghế tới các trường.

Narke được truyền cảm hứng sau khi đến thăm bãi rác Deonar - bãi rác lớn nhất ở Ấn Độ. Cô chia sẻ: "Đi bộ lên đống chất thải mà mũi của tôi như nghẹt thở, nhìn thấy những chiếc xe tải lớn màu xanh lá cây nằm rải rác trên bãi rác, với tôi đó là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ”. Phát hiện ra rằng các thùng carton của Tetra Pak có chứa giấy, cô từng tự hỏi liệu có thể tạo ra thứ gì từ chúng. "Tôi đã học được rằng các thùng carton có thể được tái chế để sản xuất ra các tấm composite. Những tấm này được sử dụng để làm ghế ngồi trong ô tô và có thể được sử dụng theo nhiều cách khác. Tôi đã suy nghĩ về bàn học và băng ghế".

Các thùng giấy hiện được thu thập tại ba thành phố từ khắp các cửa hàng, trường học và trường cao đẳng, và sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi trong tương lai.

1a5-1654827301.png
Bàn ghế làm bằng thùng carton Tetra Pak tái chế (Ảnh: RUR GreenLife)

Các thùng carton được cắt nhỏ trong các nhà máy, nung nóng, nén chặt lại với nhau và nấu chảy thành khuôn. Nhà máy cần khoảng 4.500 thùng carton để làm một chiếc bàn hoặc ghế và khoảng 6.500 thùng cho một băng ghế.

Narke nói: "Chúng tôi nhận được phản ứng tuyệt vời từ người dân đối với sáng kiến này và hy vọng sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn".

Mohan Boghade, hiệu trưởng trường Mahim cho biết, việc nhận được những sản phẩm này mang lại niềm vui to lớn, "Có cơ sở hạ tầng phù hợp sẽ hỗ trợ khả năng học tập của học sinh và động thái này đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận với các tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng."

"Đây là một điều quý giá đối với chúng tôi"

Ovy Sabrina và Novita Tan đã mất 18 tháng để phát triển công thức để biến các miếng nhựa thành một viên gạch. Đôi bạn đại học muốn làm điều gì đó về 7,8 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra ở Indonesia hàng năm. "Nếu chúng ta thực sự nghĩ về điều đó, thật sự kinh khủng. Vẫn chưa có giải pháp cho nhiều loại chất thải nhựa", Sabrina nói. "Trong khi đó, mọi thứ chúng ta sử dụng bây giờ đều được làm từ nhựa."

Các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học đã nghiên cứu, thử nghiệm và phát hiện ra rằng sự pha trộn của xi măng và nhựa sẽ an toàn với môi trường, bền vững và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Vào tháng 11 năm 2019, họ đã ra mắt Rebricks.

1a6-1654830247.png
Ovy Sabrina (trái) và Novita Tan (phải) biến rác thải nhựa thành gạch (Ảnh: Rebricks).

"Trong những ngày đầu, chúng tôi phải đến các cửa hàng thực phẩm để xin rác thải nhựa vì chúng tôi không có đủ để sản xuất. Đôi khi, các chủ cửa hàng nghi ngờ và không muốn cho chúng tôi", Sabrina nói.

Công ty Rebricks thu thập các gói nhựa, túi, bao bì và bọc bong bóng từ Jakarta và Bandung, Tây Java. Một số người thậm chí còn gửi rác thải nhựa cho họ qua đường bưu điện.

09 nhân viên làm việc tại công ty đã tái chế khoảng 100kg nhựa mỗi ngày. Công ty đã tái chế hơn 17 tấn rác thải và sản xuất ra khoảng 100.000 viên gạch. Phải mất khoảng 880 mảnh nhựa để tạo ra một mét vuông khối lát.

Cặp đôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ công chúng. Sabrina chia sẻ: "Điều đó thực sự sưởi ấm trái tim tôi. Một số người ủng hộ đã gửi đồ ăn và những món quà cho chúng tôi. Điều làm chúng tôi cảm thấy được đánh giá cao". "Từ sáng đến tối, số WhatsApp của chúng tôi liên tục nhận được tin nhắn từ rất nhiều người, hỏi về cách họ có thể gửi rác thải nhựa cho chúng tôi."

1a7-1654830247.png
Một viên gạch thông thường (trái) và một viên gạch có chứa chất thải nhựa tái chế (phải), tại nhà máy sản xuất gạch Rebricks ở Jakarta.

Rebricks đang lên kế hoạch mở rộng các điểm tái chế ở các tỉnh khác, họ muốn cạnh tranh với các nhà sản xuất gạch thông thường. Sabrina chia sẻ: "Cứ mỗi mét vuông, chúng tôi nghĩ rằng, OK, chúng tôi đã ngăn chặn lượng chất thải nhựa nhiều như thế này được đổ tại bãi rác. Đây là một điều có ý nghĩa đặc biệt đối với Rebricks ."

Thế Mạc