Trung Quốc tăng cường sử dụng than để đảm bảo an ninh năng lượng

Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu vào than khi đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, nguồn năng lượng trong nước sụt giảm và giá nhiên liệu toàn cầu tăng. Làm dấy lên lo ngại các chính sách của nước này có thể cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại là sẽ đi ngược lại chủ trương cam kết của lãnh đạo Trung Quốc về chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới dẫn đến sự nóng lên toàn cầu, đất nước tỷ dân này hiện chiếm 1 /2 lượng than khai thác trên thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ giảm sử dụng than từ năm 2026 như một phần của một loạt các cam kết về chống biến đổi. Trung Quốc đã cam kết đạt đỉnh về lượng khí thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Nghiên cứu của nhà nghiên cứu khí hậu Carbon Brief báo cáo vào đầu tháng 9/2022 cho thấy tổng lượng khí thải carbon ở Trung Quốc đã giảm trong 4 quý liên tiếp do kinh tế sụt giảm.

5b8d2f36e61f96f81b1d49813e9ac20f-1663663326.jpg
Ảnh minh họa.

Để tránh thiếu điện, từ cuối năm ngoái Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất than quốc doanh tăng sản lượng khai thác thêm 300 triệu tấn cho năm nay. Giữa năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) dành hơn 100 tỷ Nhân dân tệ (hơn 15 tỷ USD) trong hạn mức tái cấp vốn để nâng công suất khai thác than cung cấp cho các nhà máy điện than.

Trong các gói kích thích kinh tế và kích thích kinh tế bổ sung gần đây, doanh nghiệp ngành năng lượng được ưu tiên vay vốn để đảm bảo đủ năng lượng cho nền kinh tế. Trung Quốc cũng giảm thuế nhập khẩu than từ 6% xuống còn 0% cho các doanh nghiệp nhập khẩu than đến 3/2023. Năm ngoái sản xuất điện từ than, chiếm khoảng 40% lượng khí thải carbon của Trung Quốc.

Chuyên gia Byford Tsang, cố vấn chính sách cao cấp của tổ chức khí hậu E3G, cho biết, giá năng lượng quốc tế tăng vọt do cuộc khủng hoảng Ukraine (U-crai-na) cũng đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường sản xuất than trong nước, khiến nhập khẩu than trong nửa đầu năm nay giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển năng lực năng lượng tái tạo. Chỉ riêng công suất năng lượng mặt trời của Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng công suất toàn cầu.

Nhưng trong tình hình thế giới đầy biến động, đảm bảo an ninh năng lượng được ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay vốn để hiện đại hóa, nâng cấp công nghệ khai thác than theo hướng công nghệ xanh. Ngoài ra, các nhà máy điện than cũng xây dựng các quy trình ít ô nhiễm nhất để giảm phát thải khí carbon ra môi trường.

Thi Nguyên (t/h)